Hà Nội: Khẳng định vị thế số một về thu hút FDI
Thu hút FDI 4 tháng: Bội thu nhờ hội nhập | |
Hà Nội: Triển vọng thu hút FDI |
Sức hút từ KCN, KCX
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đến ngày 20/5, cả nước có 907 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,56 tỷ USD, tăng 155,9% so với cùng kỳ năm 2015; 425 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,59 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Ước tính, các dự án FDI đã giải ngân được 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Hà Nội luôn phấn đấu nâng sức cạnh tranh, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài |
Để có được kết quả đó, phải khẳng định môi trường đầu tư của Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, nhất là tại các KCN, KCX. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cũng nêu rõ: Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường; Đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân ở các KCN; Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các KCN. Có thể nói, việc các KCN, KCX tại Hà Nội thu hút một nguồn lực lớn FDI vào đầu tư đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của Thủ đô.
Theo đại diện ban quản lý các KCN, KCX Hà Nội, thành phố hiện có 33 KCN nằm trong danh mục quy hoạch phát triển của thành phố, với tổng diện tích quy hoạch khoảng gần 7.000 ha. Đến nay, Hà Nội đã, đang phát triển 19 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.100ha.
Trong đó, có 8 KCN đã được xây dựng, đưa vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%; 4 KCN đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng; 7 KCN có trong danh mục quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020, đang trong giai đoạn lập quy hoạch.
Hiện thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường, tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; Thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" giữa các phòng, đơn vị và phối hợp giữa ban quản lý với các sở, ngành của thành phố trong giải quyết thủ tục hành chính; Tư vấn miễn phí cho DN đến giao dịch giải quyết thủ tục hành chính…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, trọng tâm quý II/2016 được thành phố xác định là công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Rà soát thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thủ tục, rút ngắn thời gian, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Có thể nói, Hà Nội đang vươn lên mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2015, thành phố thu hút 1.637 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 7,5 tỷ USD từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước. Riêng trong quý I/2016, Hà Nội thu hút hơn 810 triệu USD của 110 dự án FDI cấp mới và tăng vốn, gấp năm lần so với cùng kỳ năm 2015, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn FDI tại Hà Nội với 1.064 dự án và 5,23 tỷ USD vốn đăng ký; Nhật Bản đứng thứ hai với 706 dự án và 4,734 tỷ USD vốn đăng ký. Việc cải thiện môi trường kinh doanh đang ngày càng thu hút nhiều DN nước ngoài đến đầu tư, nhất là khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của TPP.
Cuối tháng 3/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cho Công ty TNHH Samsung Eletronics Việt Nam. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, tương đương 6.700 tỷ đồng. Khi hoàn thành, trung tâm sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Ông Chung nhấn mạnh, dự án sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài; góp phần đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng và chuyển giao công nghệ…; Tạo sự liên kết với các DN trong nước để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, tận dụng, phát huy được lợi thế để đem lại lợi ích về nhiều mặt cho cả đôi bên.
Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là TPP. Điều này đang mở ra cho cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng những cơ hội để thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài mới chuyển dịch về Việt Nam.
Theo đó, Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp may mặc, công nghiệp phụ trợ, hạ tầng các KCN, nông nghiệp...
Đây cũng là mục tiêu mà UBND thành phố đang hướng tới. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố sẽ đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng; Hỗ trợ thủ tục hành chính thuận lợi nhất cho các dự án có chất lượng, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học...
Đồng thời, thành phố tiếp tục hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển các dịch vụ hiện đại…