Hà Nội “khát” một khu vui chơi đẳng cấp
Hà Nội động thổ dự án công viên nghìn tỷ | |
Khu vui chơi trẻ em xuống cấp |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hệ thống khu vui chơi, giải trí tại Hà Nội hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chứ chưa nói tới chuyện phục vụ khách du lịch.
Mùa hè, công viên Hồ Tây luôn quá tải dịp cuối tuần |
Du khách không thể bỏ qua Vinpearl Land (Nha Trang), Fantasy Park trong khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng), hay Lạc cảnh Đại Nam (Thủ Dầu Một) khi đến với các thành phố này. Sở dĩ những công viên giải trí quốc tế luôn có sức hút với các “thượng đế” là bởi nó đánh trúng tâm lý và sở thích của du khách. Họ không chỉ được thỏa niềm đam mê khám phá, thỏa mãn cái tôi mà còn lưu lại được những hình ảnh đẹp.
Nhìn lại các sản phẩm của Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc, tuy nhiên, thời gian qua, sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức.
Hà Nội vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh, hấp dẫn và thiếu những khu, điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của các “thượng đế”.
Hà Nội hiện có Khu Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, nhưng quy mô vẫn nhỏ. Các loại hình dịch vụ giải trí tại đây không đa dạng, được xây dựng từ lâu nên đã lỗi thời, xuống cấp.
Trong khi đó, các khu vui chơi giải trí tổng hợp trong nhà ở một số Trung tâm thương mại lớn như Royal City, Vincom Center Hanoi, Vinpearl Aquarium Times City, hay AeonMall chỉ đủ sức phục vụ nhu cầu giải trí của tòa nhà và số ít người dân quanh vùng. Là một vị khách yêu mến Hà Nội, ông Peter Len (du khách đến từ Bỉ) cho biết: “Tôi đã đi du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hà Nội để lại nhiều ấn tượng trong tôi với những ngôi nhà cổ rêu phong, những làng nghề độc đáo…
Tuy nhiên, nếu các bạn có một khu vui chơi hiện đại, mô phỏng những nét đặc trưng của thành phố kết hợp với các trò mạo hiểm, ca nhạc, rối nước, chiếu phim… thì sẽ càng hấp dẫn du khách. Và chúng tôi sẵn sàng chi mạnh cho các dịch vụ này”.
Chỉ cần dạo qua các điểm vui chơi của thành phố như công viên Hồ Tây, rạp xiếc, trung tâm chiếu phim hay Royal City, Times City, Thiên đường Bảo Sơn… vào buổi tối hay ngày cuối tuần đều thấy đông nghịt người. Dù giá vào cửa, phí tham gia trò chơi không hề rẻ, có khi đến vài trăm ngàn/người nhưng nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ tới lượt.
Tại các công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình, Dịch Vọng… hàng ngày đón hàng trăm lượt trẻ em đến vui chơi, cuối tuần nào cũng chật cứng. Trời nắng chang chang, người lớn và trẻ nhỏ đều mồ hôi nhễ nhại, chen nhau tìm chỗ chơi. Thế mới thấy chỗ vui chơi ở Hà Nội thiếu đến cỡ nào.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRestour, ở Hà Nội, có 3 đối tượng có nhu cầu vui chơi giải trí. Đó là người dân Thủ đô, từ các tỉnh, thành phố khác về sinh sống, học tập, làm việc và du khách quốc tế. Trước đây, Hà Nội xây dựng những công viên mang tính chất phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tối thiểu của người dân như: Công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình…
Thực chất, đây là nơi có nhiều cây xanh để người dân đi bộ, thư giãn, hoặc tham gia những trò chơi đơn giản. Nhưng, những nhu cầu đó đã qua lâu rồi, vậy mà, một thời gian rất dài chúng ta gần như không đầu tư gì cho hoạt động vui chơi giải trí nữa. Hiện tại, các khu vui chơi, giải trí ở Hà Nội quá thiếu, nói đúng hơn là gần như chưa có gì, vì chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo các chuyên gia, hơn 2.100 sân chơi hiện nay chưa thực sự phục vụ rộng rãi cho người dân. Ngoài một số khu vui chơi đã nổi tiếng trong thành phố, một số dự án do tư nhân đầu tư thuộc loại cao cấp như sân băng, bể bơi, sân trượt patanh… giá vé lại quá cao và quy mô có hạn nên không phải ai cũng vào được. Con em trong những gia đình lao động nghèo đành đứng nhìn hoặc trở về với các trò chơi trên đường phố, trên sông hồ hoặc chơi games trong các quán nét lành ít hại nhiều.
“Thiếu những khu vui chơi, giải trí cho người dân và du khách là một trong những nguyên nhân khiến các tệ nạn gia tăng. Thực tế, những khu vui chơi giải trí có giá trị rất lớn trong việc nuôi dưỡng, xây dựng tâm hồn đẹp cho con người. Thế nhưng, dường như vì cái tốt đó là vô hình, không quy được ra tiền, không làm giàu được cho một người, một DN cụ thể, nên nhiều năm qua chưa được quan tâm xứng tầm”- nhà nghiên cứu Vũ Duy Thông nhìn nhận.
Vậy, nguyên nhân nào khiến một Thủ đô hơn 7,5 triệu dân chưa có nổi một khu vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế, và chúng ta đang đánh mất gì, Thời báo Ngân hàng sẽ đề cập trong bài sau “Lãng phí cơ hội kinh doanh, hút khách”.