Hai mặt của tăng phí dịch vụ
Việc Vietcombank tăng phí dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử từ tháng 3/2018 vừa qua đã tạo những phản ứng trong xã hội, khi có những quan điểm cho rằng, nó tác động lên chi phí cá nhân và DN.
Ví dụ: mức phí duy trì tin nhắn (SMS Banking) tiền nạp vào và rút ra trên tài khoản từ nay chủ thẻ Vietcombank phải trả thêm 3.200 đồng/tháng lên mức 11.000 đồng/tháng và phí chuyển khoản trên ứng dụng di động (Mobile Banking) bây giờ cứ mỗi giao dịch phải trả 2.200 đồng dù rằng mức phí hàng tháng để duy trì ứng dụng này người dùng đã phải trả 15.000 đồng.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, các loại phí chuyển khoản liên ngân hàng Vietcombank giảm từ 11.000 đồng xuống 7.700 đồng với các mỗi giao dịch dưới 10 triệu đồng. Đối với các khoản chuyển tiền trên 10 triệu đồng mức phí hiện được tính 0,02% trên tổng giá trị giao dịch - hay nói cách khác cứ chuyển 100 triệu đồng mất 22.000 đồng.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, một lãnh đạo Vietcombank cho rằng, việc nâng mức thu phí dịch vụ đợt này nằm trong lộ trình thực hiện chuẩn mực quốc tế Basel II của ngân hàng. Basel II có quản trị hệ thống và trong đó có phần tăng nguồn thu phí dịch vụ thay vì lệ thuộc vào nguồn thu tín dụng, trách nhiệm của ngân hàng phải nâng chất lượng dịch vụ tăng theo mức phí. Vị lãnh đạo này nói, việc tăng phí dịch vụ vừa để ép chính mình và tạo thói quen đối với người sử dụng dịch vụ, có quyền lợi và trách nhiệm phải đi song song với nhau.
Cuối tháng 12/2017 Vietcombank có gửi đến 12 triệu khách hàng sử dụng tài khoản của mình về việc tăng tiện ích đối với các giao dịch trên ứng dụng di động, bao gồm: đăng ký ứng dụng bằng user vcb-ib@ngking, nộp thêm rút bớt tài khoản tiết kiệm trực tuyến, bổ sung mã phản hồi nhanh (QR code) cho hóa đơn, call app từ các trang thương mại điện tử, đặt tiết kiệm mục tiêu và tính toán lãi suất…
Thực tế, trước thời điểm tháng 3/2018 những cá nhân chuyển khoản qua công cụ Internet Banking từ tài khoản của chi nhánh này sang chi nhánh khác của Vietcombank đã mất phí 1.100 đồng/giao dịch, chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng khác phí là 3.300 đồng/giao dịch. Trong khi Việt Nam chưa phát triển mạnh thương mại điện tử nên bản chất của người dùng thẻ hiện nay vẫn chủ yếu để rút tiền mặt. Hoặc mức phí 22.000 đồng đối với chuyển tiền như ví dụ ở trên có vẻ không lớn, nhưng mỗi ngày một DN thực hiện 100 giao dịch đã mất đi 2,2 triệu đồng, đó là chi phí không nhỏ đối với các DN.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, riêng các TCTD trên địa bàn TP.HCM năm 2017 thanh toán điện tử liên ngân hàng chiều đi mỗi ngày đã có 130.000 món với doanh số gần 70.000 tỷ đồng/ngày.
Xét theo nguyên tắc thị trường tự do, phí dịch vụ là một quan hệ thuận mua vừa bán, ngân hàng cung cấp dịch vụ bán cho người dùng trả phí. Tuy nhiên, việc tăng phí dịch vụ là điều rất cần cân nhắc trong từng giai đoạn, mỗi thời điểm.