Hàng không nỗ lực hỗ trợ du lịch
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông năm 2018, tuyến Hà Nội - Đồng Hới là đường bay nội địa duy nhất mà Vietjet mở mới trong năm 2017, trong khi số lượng đường bay quốc tế mới của hãng lên tới con số 21. Và trong năm 2018, Vietjet Air sẽ tập trung vào việc mở rộng các đường bay quốc tế, sau khi đã khai thác kín các sân bay tại Việt Nam.
Đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng của Vietjet |
Đáng chú ý, có đến 16 trong tổng số 20 đường bay dự kiến mở mới trong năm nay là đường bay quốc tế, tập trung khai thác mạnh vào thị trường châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Australia. Không khó lý giải cho quyết định trên của Vietjet Air bởi du khách châu Á lựa chọn Việt Nam như điểm đến ưa thích. Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số 12,9 triệu lượt khách đến Việt Nam trong năm 2017 thì có gần 9,8 triệu lượt khách (tương đương 75%) đến từ châu Á, đạt tốc độ tăng trưởng 34% so với năm liền trước, đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Thêm nữa, cùng với nhu cầu di chuyển tăng cao, doanh thu ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đạt tốc độ tăng trưởng tới 10,2%, cao hơn so với mức trung bình 7,6% của thế giới, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hàng không quốc tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trên, Vietjet cũng nâng số lượng đội tàu bay lên thành 66 chiếc trong năm 2018, tăng 29% so với năm 2017. Con số doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2018 mà Vietjet hướng tới lần lượt là 50.970 tỷ đồng và 5.806 tỷ đồng, tăng trưởng 20,5% và 9,5% so với năm 2017.
Vietjet Air đang cùng với Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đưa Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6% trong giai đoạn 2013 –2017, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Nếu xét ở tầm nhìn đến năm 2035 thì thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cùng với sự phát triển nhanh của thị trường hàng không đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ ngành du lịch, thương mại và đầu tư toàn cầu những năm qua. Đó là góc nhìn toàn cảnh được Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đưa ra tại buổi Tọa đàm “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường vận tải hàng không” vừa diễn ra mới đây.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, thị trường hàng không đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ là do Việt Nam ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân cao, cộng với chính sách hội nhập kinh tế, thu hút đầu tư…
Dự báo đến 2020, tổng lượng hành khách sẽ đạt 127,8 triệu lượt và tổng lượng hàng hóa đạt 21%. Đồng nghĩa với những tiềm năng và cơ hội để hàng không càng có cơ hội phát triển trong thời gian tới. Chính sự phát triển mạnh mẽ của Vietjet góp phần giúp người thu nhập thấp được cải thiện nhu cầu đi lại, hưởng lợi từ hàng không giá rẻ, đáp ứng nhu cầu dân số hơn 90 triệu người và số lượt du khách quốc tế tăng trưởng bình quân khoảng 20% mỗi năm, trong khi cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt còn kém phát triển.
Hiện Luật Hàng không đã được ban hành, điều các chuyên gia mong đợi là làm sao tạo hành lang pháp lý, sân chơi lành mạnh để các hãng hàng không cùng phát triển mà vẫn phải đảm bảo an ninh an toàn chuyến bay lên hàng đầu.