Hàng nhái… online
Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đua nhau chèn ép hàng Việt | |
Lời khủng vì hàng nhái như thật |
Ảnh minh họa |
Dự định tặng chồng một chiếc đồng hồ đeo tay nhân dịp sinh nhật, chị Nguyễn Ngọc Thanh, trú quận Đống Đa (TP. Hà Nội) lên mạng tìm hiểu thông tin. Ngay sau cú click chuột, chị đã “loạn” với các kiểu mẫu mã và giá cả đa dạng của sản phẩm.
Cùng một sản phẩm, thế nhưng giá cả thì chênh nhau tới cả triệu đồng. Sản phẩm nào cũng được quảng cáo là chính hãng… Chỉ đến khi nhận sản phẩm, nạn nhân mới biết mình bị lừa bởi thực chất đây chỉ là hàng nhái của một thương hiệu nổi tiếng.
Thực tế, hiện nay hàng giả, hàng nhái các thương hiệu cao cấp được rao bán tràn lan trên mạng, nhưng rất khó để nhận biết khiến nhiều người tiêu dùng bị “sập bẫy”. Anh Nguyễn Văn Đường một tay buôn hàng online có thâm niên chia sẻ, chỉ cần khách hàng có nhu cầu, thì trên mạng hàng gì cũng có, mẫu mã nào cũng được và thương hiệu nào cũng xong.
Từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới như CK, Gucci, Hermes, đến những thương hiệu bình dân hơn như Casio, Citizen… với độ giống tới 99%. Cũng theo anh Đường, hàng nhái cũng nhiều đẳng cấp, từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.
Tuy nhiên, tiền nào của nấy. Những mặt hàng này phần lớn chỉ bán online, vừa tiết kiệm được chi phí mặt bằng, lại “né” được sự thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Bởi, hàng nhái thì lấy đâu ra giấy tờ, chứng thực xuất xứ, vì toàn hàng nhập lậu qua biên giới…
Quả thật, cùng với sự bùng nổ thông tin, sự ra đời của các trang thương mại điện tử đã mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người, song đây cũng là thiên đường của hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Với giá khoảng 1 triệu đồng, thậm chí vài trăm nghìn đồng, túi xách, nước hoa, mỹ phẩm nhái hàng hiệu đang được các cửa hàng online bán, với đủ chiêu trò câu khách.
Chủ một website bán hàng trực tuyến “bật mí”, tất cả hình ảnh sản phẩm đưa lên website là thật, hàng chính hãng hết bởi hình ảnh sản phẩm đều được copy từ website của hãng đó, bởi có làm như thế thì khách hàng mới tin. Chỉ có hàng đến tay người tiêu dùng là… nhái.
Bên cạnh, địa chỉ của website luôn được ghi một cách chung chung như tòa N2B Trung Hòa, Khu đô thị Văn Quán… để khách có tìm đến thì cũng “chả biết đâu mà lần”. Và dù là bán hàng nhái thì giá cũng chỉ được thấp hơn hàng chính hãng một chút thôi bởi nếu giảm quá nhiều khách hàng sẽ nghi ngờ ngay.
Chính vì thị trường “hỗn loạn” như thế nên nhiều trang bán hàng trực tuyến lại lâm vào cảnh “sống dở chết dở”, khi mình bán hàng chính hãng với giá của hãng, còn đối thủ thì bán nhái với giá thấp hơn mà lại “sống khỏe”...
Để tránh bị “sập bẫy”, khách hàng khi mua sản phẩm trên mạng cần đọc kỹ thông tin về sản phẩm: tên, mẫu mã, nhà cung cấp, bảo hành, giá; tìm hiểu thông tin sản phẩm trên website của nhà cung cấp, so sánh giá khi cần thiết; kiểm tra hàng khi nhận, đồng thời ngay lập tức trả hàng và phản ánh với nhân viên nếu thấy sản phẩm được cung cấp không đúng yêu cầu hoặc phát hiện là hàng nhái…