Hệ lụy từ sốt đất ảo ở Cần Giờ
Trong những ngày nắng nóng giữa tháng 5/2019, phóng viên TBNH trong vai người có nhu cầu mua đất nền đầu tư đã theo chân một “cò” đất tên Tuấn xuống xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ để tìm hiểu giá cả thực tế nơi đây. Tuy nhiên, lăn lộn cả ngày trời, xem chỗ nọ, ngắm chỗ kia, hỏi đến nơi nào người bán cũng “hét” giá cao ngất ngưởng, lô nhỏ đã có sổ lên tới 20 triệu đồng/m2, lô khác cũng rơi vào khoảng 18 triệu đồng/m2. Theo lời “cò” Tuấn giới thiệu, phần lớn đất quanh khu vực này đã được mua đi bán lại, sang tay đến 3 - 4 đời chủ nên giá mỗi ngày một tăng cao.
Giá trị đất tại Cần Giờ đang bị đẩy cao phi mã |
Tìm hiểu kỹ hơn, không riêng gì tại Cần Thạnh, mà ở một số xã khác như Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn... thì những thửa đất nằm gần một số tuyến đường lớn đang được giới đầu tư săn đón nhiều như đường Trần Quang Đạo, đường Duyên Hải, Lương Văn Nho... chỉ trong vòng 1 – 2 tháng trở lại đây đã có mức tăng đột biến 30 – 50%. Đơn cử, lô đất có diện tích 100m2 tại đường Tam Thôn Hiệp đang được môi giới chào bán từ 1,8 tỷ đồng – 1,9 tỷ đồng vào thời điểm hiện tại, nhưng trước đó, cũng chính lô đất này được nhà đầu tư thứ cấp mua với giá 1,2 tỷ đồng. Nhìn lại thì thấy, “cơn sốt” đất lúc nóng nhất ở huyện đảo Cần Giờ là vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, sau đó tạm lắng xuống. Tuy nhiên từ đó đến nay, giá đất đai tại khu vực này đã chính thức được thiết lập một mặt bằng mới, và chỉ có lên mà không xuống. Điều đáng ngạc nhiên là tuy vậy, cho đến tận thời điểm hiện tại, ngoài một vài con đường lớn chính, nhiều khu vực tại Cần Giờ vẫn còn là đường đất khá thưa thớt người qua lại, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ.
Sở dĩ có hiện tượng sốt đất tại Cần Giờ vài tháng trở lại đây là do UBND TP. HCM vừa chính thức thông qua phương án thiết kế xây dựng cầu Cần Giờ với tổng chi phí đầu tư lên đến 5.300 tỷ đồng. Theo đó, dự kiến điểm đầu cầu là nút giao giữa đường 15B với đường số 2 khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Cầu được xây dựng nhằm thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP. HCM và các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực biển phía Nam.
Trước đó, TP. HCM cũng xác định “biến” Cần Giờ thành khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế, phát triển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh vốn có của huyện, đảm bảo bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ đã được phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 có quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Đây là dự án trọng điểm của thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại, tiến ra biển, tạo nên động lực phát triển cho thành phố trong những năm tới.
Cùng với đó là hàng loạt các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, nhà ở thương mại... đang được các nhà đầu tư lên kế hoạch đổ bộ vào Cần Giờ, trong đó có thể kể đến như Vinpeal của Tập đoàn VinGroup, tổ hợp giải trí của Tập đoàn Tuần Châu, dự án của HUD, IDC... đã khiến cho vùng đất này trở nên có sức hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tỉnh táo trước khi chạy theo những cơn sốt đất, bởi nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy. Nhất là rất cần xác định được giá trị thực của đất đai, tránh tình trạng bị “cò” đất tung chiêu “thổi” giá làm nhiễu loạn thị trường, rất dễ dẫn đến tình trạng bong bóng, sốt ảo.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo trình Quốc hội về vấn đề nghiên cứu bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ BĐS. Trong đó, Bộ này đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh mức thuế giao dịch BĐS để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn. Sở dĩ như vậy là do thời gian qua, một số đối tượng đầu cơ BĐS hoạt động công khai, tung tin thất thiệt để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường tại một số khu vực, tỉnh thành như TP.HCM, Khánh Hoà, Kiên Giang, Quảng Ninh... kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội. |