Hệ thống phân phối tốt tạo đà xuất khẩu
Giành lại thị trường xuất khẩu chính | |
Kỳ vọng từ chuỗi liên kết |
Liên kết, tạo hệ thống phân phối
Theo thống kê của ngành công thương, từ năm 2014, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam, những chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã được duy trì ký kết.
Ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam bắt tay hợp tác trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại |
Theo đó, giai đoạn 2014 - 2016, chương trình Hợp tác Xúc tiến Thương mại và Đầu tư giữa các Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai gần 400 hoạt động xúc tiến nội địa, từ đó tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, DN địa phương có thể tiếp cận thị trường khu vực, củng cố và tăng cường uy tín của hàng Việt trên thị trường nội địa.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam” lan tỏa sâu rộng đến vùng sâu vùng xa của nhiều tỉnh, thành.
Là một trong những địa phương tích cực và đã tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký kết được 53 hợp đồng, biên bản ghi nhớ với các siêu thị Big C, LOTTE Mart, Co.opmart, VinMart, Satra… Nhiều DN đã mở được đại lý phân phối tại các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và hầu hết các sản phẩm tham gia kết nối đều tìm được thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Cũng vậy, tỉnh Long An là một trong những địa phương thường xuyên tham gia các chương trình kết nối cung cầu và đạt được kết quả tích cực. Giám đốc Sở Công Thương Long An Lê Minh Đức cho biết, đến nay có 30 hợp tác xã và DN của tỉnh Long An đã ký kết 58 biên bản ghi nhớ với hệ thống phân phối tại TP. HCM. Trong đó, nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo, rau, thịt và trứng gia cầm đã được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và đáp ứng được nhu cầu của các nhà phân phối tại TP. HCM.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, ngành Công thương TP. HCM đã đẩy mạnh Chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ. Chương trình giúp các nhà bán lẻ của TP. HCM đã có điều kiện thuận lợi kết nối trực tiếp với DN sản xuất hàng hóa tại các tỉnh, thành nhằm hạn chế các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm đến tay người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa.
“Chương trình hợp tác thương mại này cũng hỗ trợ các DN phân phối, đại lý tìm kiếm được nhiều nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao và giá cả phù hợp tại các địa phương; đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố. Chương trình cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, nhà bán lẻ, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, mạng lưới chợ... theo quy hoạch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng hóa của người dân và cung ứng các loại hình dịch vụ hỗ trợ”, ông Kiên chia sẻ.
Hướng tới thị trường bán lẻ nước ngoài
Các kênh phân phối hiện đại như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra), Big C, Aeon, Auchan, LOTTE Mart... đang từng bước trở thành một trong những kênh quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu và bán lẻ hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Trong đó, nhiều mặt hàng của các tỉnh thành khu vực phía Nam như nước mắm, chuối, xoài, thanh long... và những sản phẩm chuyên dùng cho sinh hoạt hàng ngày đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực vậy, theo thống kê của hệ thống siêu thị Auchan của Công ty Auchan Retail Việt Nam trực thuộc Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp), các mặt hàng sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam nhất là sản phẩm của các tỉnh phía Nam đang được kinh doanh trong hệ thống này có mặt ở 14 nước.
Cũng vậy, hệ thống bán lẻ Aeon Việt Nam đang có mối quan hệ hợp tác thu mua hàng hóa với khoảng 1.700 DN, nhà cung cấp tại Việt Nam. Đây cũng là điều kiện cần thiết để từ đó phân phối, bán lẻ đến hơn 14.000 cửa hàng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, tại thị trường Nhật, người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây...
Ông Albin Bertrand, Giám đốc thu mua thực phẩm, Công ty Auchan Retail Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất kinh doanh, DN xuất khẩu Việt Nam đã đẩy mạnh khâu khảo sát và tìm hiểu xu hướng thị trường tiêu dùng, lựa chọn chiến lược đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại và từng bước thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thành công. Ông Albin Bertrand khẳng định, khi sản phẩm vào hệ thống của siêu thị tại Việt Nam thì cũng sẽ là điều kiện để những sản phẩm này có thể có mặt ở các nước trong kênh phân phối của mình.
Còn ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm LOTTE Mart Việt Nam cho biết, mục tiêu về giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam của LOTTE trong năm 2017 ước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, hệ thống sẽ tăng cường phân phối các sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm cả những sản phẩm nông sản, trái cây... "Hiện tại, hàng hóa Việt Nam đã được LOTTE Mart Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Indonesia... Trong thời gian tới, LOTTE Mart sẽ nỗ lực để góp phần xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường thế giới", ông Yoon Byung Soo cho hay.
Trên thực tế, tận dụng lợi thế sẵn có cũng như có cùng chung mục đích phát triển, ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam bắt tay hợp tác trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, đầu mối thu mua nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thuận tiện và nhanh chóng.
Đồng thời, ký kết các hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn với kênh bán lẻ hiện đại trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa, nhất là xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.