Hỗ trợ DN ngành nông nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi từ EVFTA
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết hỗ trợ DN khai thác hiệu quả những lợi thế từ EVFTA - Ảnh: VGP/Lê Anh |
Ngày 21/8, tại TPHCM, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị phổ biến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU(EVFTA) với chủ đề: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý.
EVFTA: Tác động mạnh mẽ nhất tới nền kinh tế
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đây là hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Theo đó, 85,6% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và sau 7 năm 99,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, tương đương khoảng 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Bên cạnh đó, EVFTA còn thúc đẩy, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng. Cụ thể, đầu tư nước ngoài tập trung vào sản xuất các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường EU, qua đó, nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt. Cùng với đó, Việt Nam có cơ hội trở thành điểm chung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại – đầu tư của EU tại khu vực ASEAN.
Theo các chuyên gia, EVFTA là hiệp định tác động mạnh mẽ nhất đến nền kinh tế, nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt và cải cách mạng mẽ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giả định hiệp định có hiệu lực từ năm 2020, thì GDP sẽ tăng thêm 2,5% vào cuối năm 2020 (so với không có EVFTA).
Cơ hội cho ngành nông nghiệp
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc ký hiệp định EVFTA tạo ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản, điều và cà phê.
Cụ thể, các sản phẩm trồng trọt, rau quả: 520/556 dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực; trong khi đó, rau quả chế biến 85,6% dòng sản phẩm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; tỉ lệ này ở cà phê, hạt tiêu là 93% dòng sản phẩm thuế về 0% và ngành điều hưởng thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Với ngành hàng thủy sản: 50% số dòng thuế xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn 6-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm. Ngành chăn nuôi, gần 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; động vật sống cơ bản thuế 0%. Về lâm sản hơn 87% dòng sản phẩm về 0% khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại 3-5 năm.
Theo bà Hạnh, cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên sức ép cạnh tranh cũng không lớn. Tuy nhiên các DN Việt Nam phải tuân thủ những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững...
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group), một DN lớn chuyên về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, cho rằng, với sự cạnh tranh của giá cả hiện nay, vấn đề DN đầu tư chế biến sâu nông sản vô cùng quan trọng, nhất là hiệp định EVFTA này giúp các mặt hàng nông sản giảm được thuế rất lớn. Riêng đối với cà phê, việc giảm thuế về 0% sẽ mang lại lợi thế rất lớn. Hiện nay, DN nhiều nước đầu tư vào ngành hàng này tại Việt Nam.
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa DN và bộ, ngành
Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, DN lo nhất về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, bởi vấn đề này không đơn giản mình DN làm được mà phải có chính sách chung, ví dụ như các cơ quan kiểm dịch thực vật phải đưa ra danh mục các hóa chất nào được sử dụng ở nông nghiệp hiện nay, có biện pháp ngăn chặn việc nhập các hóa chất không đảm bảo an toàn thực phẩm. “Phải làm triệt để, nếu không mỗi lần DN xuất khẩu, mặt hàng có chứa các hóa chất vượt tiêu chuẩn hoặc bị cấm theo quy định của đối tác, thì hàng bị trả về, gây thiệt hại lớn cho DN”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều, trong khi đó, quy mô DN nông nghiệp đa phần là các DN nhỏ, lao động dưới 50 người, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng đang cản trở DN ngành nông nghiệp.
Qua khảo sát, 58% DN nông nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong tìm hiểu khách hàng. Chính vì vậy, các cơ quan, ban ngành, trung tâm xúc tiến thương mại cần có các chính sách đồng bộ hỗ trợ DN đơn giản các thủ tục hành chính, tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định nông nghiệp luôn là lĩnh vực quan trọng, đồng thời là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công trong công tác hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, trong các chương, nội dung cơ bản của các FTA đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi cho nông nghiệp.
Việc minh bạch hóa trong việc tiếp cận thị trường và những vấn đề như lao động, môi trường, phát triển bền vững... để tận dụng được các ưu đãi từ EVFTA, chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể để thực hiện. Sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong tham mưu chính sách các điều kiện thực thi EVFTA và những chương trình hỗ trợ DN có vai trò then chốt, quyết định sự phát triển của DN.
Việc mở cửa một thị trường đòi hỏi rất nhiều nỗ lực chung và sắp tới Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ có sự phối hợp quyết liệt hơn. Tuy nhiên ở góc độ DN cũng phải vào cuộc. Bởi cắt giảm thuế quan là điều kiện cần nhưng vấn đề còn lại là câu chuyện của DN, của thị trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, để khai thác hiệu quả những lợi thế từ EVFTA, ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT đã chủ động coi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Sản xuất liên kết chuỗi, chú ý từ công đoạn nguyên liệu, chế biến cho đến sản xuất thị trường. Tuy nhiên trong thời gian tới sẽ làm quyết liệt, cụ thể hơn cho từng ngành hàng, lĩnh vực thông qua sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng ở từng địa phương.
Để DN hiểu rõ các cam kết trong EVFTA, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn những quy định của EU. Tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia…