Hóa giải thách thức khởi nghiệp
TPBank chung tay giúp bạn trẻ khởi nghiệp | |
Startup và những khởi đầu mới | |
Vốn nào cho DN khởi nghiệp? |
Sau những thành công của chuỗi trung tâm tiếng Anh IBest, các quán Cộng cà phê nhượng quyền, Nguyễn Hà Linh - cô gái năng động sinh năm 1988 tiếp tục kiến tạo thành công xu hướng đồ ăn Thái với các cửa hàng Koh Samui và được vinh danh trong danh sách Under 30 của Forbes hồi đầu năm nay. Tuy thế, kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một số cửa hàng trong chuỗi thương hiệu đồ Thái Koh Samui của cô ngay sau đó đã phải đóng cửa.
Ảnh minh họa |
Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc đề án VietNam Silicon Valley (VSV) cho rằng, thất bại là chuyện rất bình thường trong giới startup (DN khởi nghiệp). Chúng ta phải chấp nhận mạo hiểm, vượt qua nhiều định kiến cộng đồng, bởi vốn dĩ người làm startup không thể thành công nếu không dám mạo hiểm.
Thực tế ghi nhận, nếu không có hướng đi riêng DN sẽ khó nổi trội, không thể phát triển các mô hình kinh doanh èo uột, hay đơn giản chỉ là dành quá nhiều đam mê cho một mô hình startup bất khả thi…
Ngược lại, thành công của các startup cho thấy điểm tựa của họ là một hệ sinh thái khởi nghiệp tầm quốc gia, hội tụ 4 yếu tố: khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, tính năng động sáng tạo của startup, sự tham gia tích cực của các định chế tài chính (quỹ đầu tư, nhà đầu tư) và các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ startup.
Nghị quyết 35/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2020 ít nhất có 1 triệu DN hoạt động, tăng gấp đôi so với hiện nay. Để làm được điều đó, Chính phủ xác định chỉ có một con đường duy nhất là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Khuôn khổ pháp lý sẽ theo hướng hỗ trợ cho các startup. Dịch vụ “hậu thuẫn” cũng vậy. Cho nên để kết nối tính năng động và sáng tạo của các startup với thành công, khoảng trống duy nhất là nguồn vốn.
Từ một ý tưởng kinh doanh tốt, để đi đến thành công trong kinh doanh thì ngay từ việc thử nghiệm sản phẩm, giới thiệu ra công chúng, phát triển các kế hoạch kinh doanh hiệu quả, marketing… đều cần đến tài chính. Trong trường hợp ý tưởng không thành công thì nhà đầu tư khó thu hồi vốn. Thế nên, không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng cấp vốn cho các startup.
Chưa kể, các quỹ đầu tư mạo hiểm có những nguyên tắc riêng của mình trong quản lý vốn cũng như số tiền tối thiểu đầu tư vào mỗi startup (thường từ 500 ngàn USD trở lên). Ngoài ra, quỹ đầu tư mạo hiểm thường đầu tư theo xu thế và hiệu quả khai thác thị trường của startup.
Trong lúc chờ đợi các cơ chế, chính sách hoàn chỉnh cùng một thị trường vốn cho startup hoàn thiện, vẫn có nhiều tổ chức sẵn sàng hỗ trợ họ.
Cụ thể như tại VSV, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn trong quá trình tìm kiếm các startup tiềm năng ở các giai đoạn phát triển tùy theo khẩu vị đầu tư của mình, tìm thêm các đối tác để đồng đầu tư hay tìm kiếm các nguồn nhân lực và cố vấn cho các DN trong danh mục đầu tư của mình.
Đồng thời đây cũng là không gian làm việc chung sáng tạo dành cho các startup. Mục tiêu của VSV hướng đến xây dựng một cộng đồng cùng chí hướng, luôn thúc đẩy các startup nỗ lực phát triển, thông qua mạng lưới kết nối rộng lớn trong cộng đồng khởi nghiệp và các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp được tổ chức thường kỳ, bà Lê Anh chia sẻ.
Nếu có sự hợp tác chặt chẽ từ phía các trường đại học nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao càng khiến cho startup có nền tảng vững chắc để gặt hái thành công không nhỏ. Bởi yếu tố chính mà các nhà đầu tư tìm kiếm khi đầu tư vào startup là đội ngũ nhân viên tốt, quy mô thị trường của DN cũng như động lực nào để startup thành lập… ông Warren Cammack, Giám đốc sáng tạo NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) gợi ý.