Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV |
Được biết, sáng ngày 26/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCTD. Cũng trong sáng 26/10, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã giải trình thêm một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.
Theo đó, liên quan đến vấn đề về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện tại Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét đã không còn quy định này.
Tuy nhiên theo đề xuất của Chính phủ, việc miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém được thực hiện với các điều kiện rất chặt chẽ, cụ thể về việc miễn trừ trách nhiệm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: Thứ nhất là người được giao phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn một cách trung thực; Thứ hai, theo đúng quy định của pháp luật; Thứ ba là đúng các phương án cơ cấu lại TCTD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù có ý kiến cho rằng trường hợp đã thực hiện đúng quy định pháp luật thì đương nhiên không bị truy cứu trách nhiệm, tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian vừa qua thì việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém và đa số cán bộ tham gia việc cơ cấu lại là nhân viên của các ngân hàng thương mại, họ không phải là cán bộ công chức của nhà nước. Do vậy, có tình trạng vừa qua rất nhiều cán bộ từ chối, đã được cử sang rồi thì tìm cách thay đổi và xin thôi nhiệm vụ.
“Đó là những bất cập rất lớn trong việc có thể trưng tập được những cán bộ có đạo đức, có năng lực và kinh nghiệm để tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Trong khi nếu chờ quy định sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự hay Luật Cán bộ công chức, chúng tôi cho rằng không đảm bảo tính kịp thời, toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các TCTD yếu kém. Do vậy, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo rất mong Quốc hội xem xét, cân nhắc để bổ sung nội dung này vào dự thảo luật”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Về vấn đề phương án chuyển giao bắt buộc như ý kiến của một số đại biểu , Người đứng đầu ngành Ngân hàng giải thích, về mặt kinh tế thì khi thực trạng tài chính của một ngân hàng đã quá yếu và vốn tự có và quỹ dự trữ của vốn điều lệ và quỹ dự trữ đã âm, trên thực tế về bản chất tổ chức đó cũng đã lâm vào tình trạng phá sản. Khi họ không có khả năng để tự phục hồi thì chúng ta phải có những biện pháp cần thiết để xử lý.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành các biện pháp cần thiết đều phải có quy trình để xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán độc lập và khi ngân hàng đã lâm vào tình trạng như vậy thì thường các cổ đông không hợp tác để xử lý nên theo thời gian thì tình trạng yếu kém của các tổ chức này ngày càng trầm trọng. Thực trạng này sẽ dẫn tới bất ổn rất lớn trong hoạt động của chính ngân hàng đó, cũng như an toàn của hệ thống và tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền mất lòng tin và sẽ rút tiền hàng loạt nên cần phải có các quy định cho phép sự can thiệp của nhà nước để chấm dứt quyền cổ đông.
“Điều này rất cần thiết và quy định này cho phép nhà nước được chủ động xử lý các rủi ro tiềm ẩn để có thể bảo vệ được lợi ích của người gửi tiền và đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội”, Thống đốc nhấn mạnh và khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để phối hợp với cơ quan thẩm tra để rà soát, bổ sung các quy định cụ thể đối với điều kiện, trách nhiệm của bên nhận chuyển giao để đảm bảo có cơ sở pháp lý rõ ràng và cụ thể để có thể thực hiện được trên thực tế.
Về phương án phá sản, như ý kiến của đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với vai trò là trung gian tài chính trong hoạt động huy động và cho vay, các TCTD có thể có nguy cơ khi yếu kém thì phải đối mặt với tình trạng bị rút tiền hàng loạt, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
“Do đó, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo đã rà soát và nghiên cứu rất kỹ các quy định tại phương án phá sản để đảm bảo sự thận trọng cần thiết”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng, khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác, như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, khi xây dựng phương án phá sản thì quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ là phải đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc phá sản đối với sự an toàn của toàn hệ thống. Rủi ro tiềm ẩn đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Dự thảo luật đã bổ sung các quy định để cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, trật tự và an toàn xã hội khi xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo đó, cơ quan soạn thảo đã kiến nghị biện pháp là cho phép Chính phủ trong trường hợp đặc biệt được áp dụng mức chi trả tiền gửi cao quy định… Nếu Quốc hội xem xét và có các quy định cụ thể hơn trong luật, trong đó hàm ý là biện pháp đặc biệt, có thể là chi trả tiền gửi cao hơn mức để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống trong từng trường hợp đặc biệt và tùy vào điều kiện ngân sách trong từng trường hợp cụ thể thì Chính phủ phải xem xét, quyết định...
Liên quan tới vấn đề xử lý chuyển tiếp ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc như ý kiến của một số đại biểu, Thống đốc thông tin, tại Điều 3 của dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã rà soát và quy định các nội dung để tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể xử lý các ngân hàng đã mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực, bao gồm cả việc điều chỉnh, sửa đổi và thay thế phương án để cơ cấu lại các ngân hàng này.
Về vấn đề giá chuyển nhượng các ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc, cơ quan soạn thảo nhất trí với định hướng, giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định và theo cơ chế giá thị trường.
Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm cụm từ là “theo cơ chế giá thị trường” thì có thể khó khăn khi thực hiện quy định này, vì trên thực tế là giá do tổ chức kiểm toán độc lập xác định đã là giá thị trường và các ngân hàng chúng ta đã mua lại bắt buộc thì họ chưa niêm yết nên không có giá giao dịch trên thị trường.
Nên để đảm bảo tính khả thi của quy định này và phù hợp với định hướng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ thì cơ quan soạn thảo đề nghị sửa lại quy định về xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp ở khoản 2 Điều 3 như sau: "Giá chuyển nhượng phần vốn góp không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định".
Theo chương trình làm việc, sáng nay Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, cơ quan trình báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Tiếp theo chương trình, chiều nay, Quốc hội sẽ Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). |