Hợp tác công – tư với ngành tôm
Nhà nước và DN cùng rót vốn
Đầu tháng 10 vừa qua, CTCP Thủy sản Việt – Úc (một trong những DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tôm giống tại Việt Nam) đã tạo ra một làn sóng đầu tư lớn vào ngành tôm. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, DN này đã chính thức công bố đầu tư vào 3 dự án nuôi tôm công nghệ cao tại các tỉnh khu vực miền Trung và miền Nam với tổng vốn đầu tư lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
DN chế biến đầu tư nhiều vào các quy chuẩn vệ sinh để thu hút vốn |
Cụ thể, từ ngày 9-23/10, Tập đoàn Việt – Úc đã chính thức công bố đầu tư vào 3 vùng nuôi tại các tỉnh Bình Định, Đồng Nai và Bạc Liêu. DN này đã ký kết thỏa thuận chung với UBND và Sở NN&PTNT các tỉnh nói trên, cam kết rót vào mỗi dự án gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng các khu phức hợp nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh áp dụng công nghệ nhà màng Israel và công nghệ nhà kính, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh để nhân rộng trong các HTX thủy sản và các hộ dân nuôi tôm.
Những thông tin ban đầu cho thấy rằng, nếu các dự án này được xây dựng thành công, khoảng 2-3 năm nữa, Việt – Úc sẽ có một vùng nguyên liệu tôm rộng lớn khoảng 1.000 ha với sự liên kết của hàng nghìn hộ nuôi tôm tại các địa phương.
Không chỉ có Việt – Úc, đầu tháng 9/2015, Công ty TNHH Quốc Việt (Cà Mau) cũng đã chính thức ký kết hợp đồng liên kết nuôi và tiêu thụ tôm trên diện tích 107 ha đối với 43 xã viên của HTX Đoàn Kết tại huyện Đầm Dơi. Dự án liên kết của Công ty Quốc Việt được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tài trợ một phần kinh phí theo hình thức hợp tác công – tư.
Theo đó, quỹ này sẽ tài trợ kinh phí cho nông dân mua tôm giống từ DN để thả nuôi, đồng thời hỗ trợ nông dân sản xuất tôm thương phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP. Bù lại, DN sẽ đảm bảo thu mua toàn bộ lượng tôm thành phẩm của các hộ nông dân trong dự án với giá ưu đãi cao hơn giá thị trường.
Cùng thời điểm với hoạt động đầu tư của các DN tư nhân ngành tôm nói trên, vừa qua UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã chính thức công bố sẽ đầu tư 100 tỷ đồng để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp từ nay đến năm 2016 tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải.
Dự án này ngoài nguồn vốn đối ứng 51,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Trà Vinh, phần còn lại sẽ được Trung ương hỗ trợ. Theo kế hoạch, dự án sẽ đầu tư đào mới 710 m kênh thủy lợi; nâng cấp 10 bờ bao, xây dựng 9 cống hở và cầu giao thông. Ngoài ra sẽ xây dựng đường trung thế 22kV và lắp mới 8 trạm biến áp 3 pha với công suất mỗi trạm là 50KVA…
Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thuỷ lợi, điện đảm bảo đáp ứng cho 2.800 ha chuyên nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.
Bộ vào cuộc mở nút thắt
Giữa tháng 9/2015, trong bối cảnh các DN ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung bắt đầu manh nha các hình thức liên kết sản xuất theo hướng hợp tác với nông dân, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với hàng loạt các tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội ngành nuôi trồng chế biến thủy sản trong nước thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác công – tư nhằm đưa ra những nội dung chi tiết trong hoạt động PPP lĩnh vực thủy sản.
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, tại thỏa thuận chung nói trên, phía Bộ NN&PTNT cam kết sẽ thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho hạ tầng thủy sản, dịch vụ hậu cần, các vùng nuôi tập trung và trung tâm giống.
Theo đó, đầu tư cho khai thác hải sản tăng từ 27,8% lên khoảng 32%, nuôi trồng thủy sản tăng lên mức 25,5% trong tổng vốn đầu tư cho ngành này các năm tới. Các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến Bền vững thương mại Hà Lan (IDH) cũng cam kết sẽ tiếp tục tài trợ vốn xây dựng các vùng nuôi tôm bền vững ở khu vực ĐBSCL.
Trong khi đó, các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) cũng cam kết sẽ vận động các DN hội viên tích cực tham gia sâu vào các chuỗi liên kết hợp tác công – tư.
Cụ thể sẽ tăng cường đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu có sự liên kết với nông dân. DN chịu trách nhiệm đầu tư ban đầu và bao tiêu sản phẩm, nông dân góp đất, góp công nuôi, còn chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thêm các kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới điện và thủy lợi.
Ghi nhận thực tế, hiện đã có một số DN lớn ngành tôm thực hiện được liên kết dạng này. Chẳng hạn như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã xây dựng thành công 1.000 ha vùng nuôi tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang.
Tại các vùng nuôi liên kết với nông dân, Minh Phú đã tiến hành tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi tôm, đồng thời giám sát kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi, đảm bảo cho nông dân đạt tỷ lệ thành công trên 80%, giảm chi phí sản xuất 20% và đảm bảo lợi nhuận trên 30%.
Ngoài ra, Minh Phú cũng đã kết hợp với IDH xây dựng thành công “bộ tiêu chuẩn chứng nhận tôm hữu cơ Minh Phú” áp dụng cho dự án nuôi tôm sinh thái tại khu vực ven biển huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Hiện DN này đã cam kết mua toàn bộ sản phẩm tôm tại dự án này với giá cao hơn giá thị trường 10%.
Như vậy có thể thấy rằng, những điều kiện để phát triển hình thức liên kết công – tư trong nuôi trồng, chế biến tôm nói riêng và thủy sản nói chung đã khá thuận lợi. Một trong những nút thắt cơ bản nhất là nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi thủy sản đã được một số địa phương mạnh dạn đầu tư.
Vấn đề còn lại là sự nhạy bén, chủ động từ các địa phương để có thể tranh thủ được sự hợp tác của các DN lớn trong ngành khi họ sẵn sàng dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các vùng nuôi trọng điểm.