HSBC: Kinh tế Việt Nam hứa hẹn dù còn nhiều khó khăn
Chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam tiếp tục giảm về 51,9 điểm | |
Tăng trưởng GDP quý III có thể đạt 6,14% |
Ngắn hạn khó khăn
Báo cáo của HSBC nêu rõ, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ qua ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp, trong khi bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chứa nhiều bất ổn đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng như khiến cho mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP 6,7% năm nay khó đạt.
Cụ thể, đợt hạn và ngập mặn kéo dài vừa qua đã ảnh hưởng nặng đến sản lượng nông nghiệp, và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP nói chung vì nông nghiệp chiếm 13% trên toàn nền kinh tế - một tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Hơn nữa, điều này cũng có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu tiêu dùng vì thu nhập nhà nông giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của 24 triệu nông dân vốn chiếm gần nửa lực lượng lao động cả nước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của HSBC cũng nhận định mặc dù lạm phát toàn phần đã ổn định trong tháng 7 vừa qua ở mức 2,4% so với cùng kỳ (mức lạm phát từ đầu năm đến nay ở mức 1,8%), nhưng giá cả thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã tăng dần đều trong suốt 6 tháng qua và nhiều khả năng lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng nữa trong những tháng tới khi chi phí chăm sóc sức khỏe, học phí, giá cả thực phẩm… có khả năng tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm nay cũng như trong nửa đầu năm 2017.
Nguy cơ lạm phát tăng cao cũng đồng nghĩa với việc dư địa nới lỏng tiền tệ sẽ bị giới hạn. “Chúng tôi dự báo NHNN sẽ có nhiều khả năng tăng lãi suất OMO lên 5,5% trong quý III/2017 để kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng từ nay sẽ bị hạn chế”, báo cáo cho biết.
Theo dự báo của HSBC, tăng trưởng GDP năm nay sẽ quanh mức 6% và cải thiện hơn một chút trong năm tới. Cụ thể, HSBC giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP 6,3% cho năm 2016 và 6,6% cho năm 2017.
Vẫn lạc quan dù còn nhiều việc phải làm
Theo HSBC, triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn còn nhiều lạc quan mặc dù hiện tại có rất nhiều khó khăn. Bởi, một khi điều kiện thời tiết quay trở lại bình thường thì sản lượng nông nghiệp cũng như thu nhập nhà nông sẽ bắt đầu phục hồi.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực quan trọng khác như sản xuất và dịch vụ vẫn hoạt động mạnh mẽ và còn nhiều dấu hiệu cho thấy hai lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các quý tiếp theo. Những dấu hiệu này bao gồm các số liệu khá tốt của chỉ số PMI ngành sản xuất, cũng như dữ liệu về hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 7 vừa qua.
Hơn nữa, mặc dù được thực hiện khá chậm nhưng các hoạt động cải cách, tái cơ cấu cũng đã bắt đầu gặt hái một số thành công. Như trong lĩnh vực ngân hàng, đã có một số tiến bộ khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) công bố gần đây về việc sẽ bắt đầu mua các khoản nợ xấu bằng tiền mặt.
Hay mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất việc Chính phủ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới của các DNNN, đồng thời gia tăng việc giám sát các khoản vay của những dự án hiện hữu. Theo nhìn nhận của các chuyên gia HSBC, điều này sẽ không chỉ giúp cho các DNNN hoạt động hiệu quả hơn mà còn giúp kiểm soát nợ công, để từ đó Chính phủ có nhiều dư địa hơn cho chính sách tài khóa của mình.
HSBC cũng kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng sẽ được phê chuẩn. Và không chỉ thúc đẩy thương mại của Việt Nam mà TTP sẽ là chất xúc tác cho các quá trình đẩy mạnh cải cách ở Việt Nam.
“Với TPP, Việt Nam có thể buộc phải đẩy nhanh việc thực hiện cải cách cơ cấu. Điều này bao gồm sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như việc tái cấu trúc các DNNN. Cả hai vấn đề này đều rất quan trọng đối với Việt Nam nếu như muốn tận dụng hoàn toàn được các lợi ích của hiệp định này” – HSBC khuyến nghị.