Huy động mọi nguồn lực cho tín dụng ưu đãi
Tín dụng ưu đãi thực sự là “đòn bẩy” cho hộ nghèo DTTS | |
Tín dụng ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng, chăn nuôi | |
Tín dụng ưu đãi: Giải pháp giảm nghèo bền vững |
Ngày 16/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Tham dự buổi làm việc có Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Lê Minh Hưng và đại diện lãnh đạo các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của NHCSXH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những gợi ý để các đại biểu tham dự thảo luận.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, trong hơn 13 năm qua, đã có hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 356 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội |
Tính đến 31/5/2016, tổng dư nợ tại NHCSXH đạt 147.819 tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.
Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho rằng, hiệu quả mô hình cho vay của NHCSXH đã được khẳng định. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta thực hiện chuẩn nghèo đa chiều thì cũng cần phải có những đánh giá tổng kết để điều chỉnh. Thống đốc cho biết, tới đây NHCSXH sẽ có buổi làm việc với 3 vùng mà đối tượng vay vốn NHCSXH nhiều nhất là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc nhằm rà soát lại các chính sách để hoạch định cơ chế phù hợp.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện nay NHCSXH thực hiện nhiều chương trình chính sách tín dụng quan trọng, nhưng nguồn vốn để thực hiện triển khai còn gặp khó khăn, trong đó có vốn điều lệ. Mặc dù trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng việc tăng vốn điều lệ cho NHCSXH cũng rất cần thiết. Thống đốc đề nghị thời gian tới, các NHTM Nhà nước cần tiếp tục duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH, đồng thời mong muốn nhận thêm nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương nhiều hơn nữa.
Các ý kiến phát biểu đại diện cho các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội đều đánh giá cao vai trò của NHCSXH đối với công tác giảm nghèo, hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Là đơn vị nhận ủy thác dư nợ lớn khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng, ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: tín dụng chính sách có ý nghĩa cả về chính trị, kinh tế, xã hội, đóng góp tích cực vào sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù thực hiện nhiều chương trình cho vay, số lượng khách hàng lớn nhưng NHCSXH vẫn bảo toàn được vốn, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp. Điều đó cũng chứng tỏ hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay làm ăn rất hiệu quả.
Nêu thực trạng hiện nay, các hộ nông dân vay vốn bình quân khoảng 20 triệu đồng/hộ, trong khi mức cho vay tối đa với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ, ông Lại Xuân Môn kiến nghị, thời gian tới, rất mong Chính phủ tạo thêm nguồn vốn để nông dân được vay nhiều hơn. Đặc biệt, khi triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia về xóa nghèo bền vững rất cần nhiều vốn.
“Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh vốn ủy thác từ các địa phương chuyển sang để NHCSXH cho vay, nhất là những tỉnh thu ngân sách tốt” – ông Lại Xuân Môn đề nghị.
Đồng ý với đề xuất của Thống đốc Lê Minh Hưng về việc NHCSXH sẽ làm việc với Ban chỉ đạo của Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc để đánh giá toàn diện về tín dụng chính sách, ông Trần Việt Hùng – Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, bộ máy tổ chức, phương thức ủy thác cho vay hiện nay của NHCSXH là phù hợp đối với khách hàng người nghèo. Điều này đã được thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh nợ của NHCSXH ở mức thấp, chỉ 0,78%.
Ông Trần Việt Hùng cũng đề nghị NHCSXH cần tập trung vốn ưu tiên cho các vùng nghèo, huyện nghèo. Chẳng hạn, với những tỉnh thuộc Tây Nguyên thì có 3 nhóm đối tượng gồm người Kinh (chiếm 70%), nhóm dân tộc thiểu số từ nơi khác đến, nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ (chiếm 20%). Trong đó, nhóm dân tộc thiểu số tại địa phương là nhóm yếu thế nhất, cần được quan tâm hơn.
Tại buổi làm việc, NHCSXH đã đề nghị, Quốc hội bổ sung NHCSXH vào danh mục cơ quan được phân bổ dự toán chi ngân sách Trung ương hàng năm để đảm bảo thực hiện tốt quy định về cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời đề nghị Chính phủ giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm theo mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 10%/năm).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, NHCSXH thực sự là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, đóng góp không chỉ mặt kinh tế - xã hội mà còn ổn định chính trị, tạo niềm tin vào Đảng, Chính phủ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người nghèo, đối tượng chính sách.
Phó Thủ tướng đánh giá, NHCSXH đã đạt được thành tích rất toàn diện, đã huy động các nguồn lực đáp ứng cơ bản nhu cầu, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Nhu cầu rất thực, nên người dân vay có ý thức.
Nói về một số chương trình tín dụng, Phó Thủ tướng lấy ví dụ như tín dụng HSSV, lúc cao điểm có dư nợ 36 nghìn tỷ đồng và đã có những lo lắng nhưng tới nay là thành công. Đặc biệt, các chương trình tín dụng chính sách cho vay ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số đã góp phần giảm tín dụng đen ở các địa phương. Tín dụng cho xuất khẩu lao động cũng tạo nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Người xuất khẩu lao động hỗ trợ người đi học, sau đó người đi học thành tài lại hỗ trợ người lao động.
NHCSXH cũng đã hình thành được mô hình tổ chức quản trị khá đặc thù, tổ chức từ hội sở chính xuống tới tận Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Hội đồng quản trị tổ chức đến tận cấp huyện, có cả Chủ tịch xã tham gia.
Liên quan đến kiến nghị của đại diện các bộ, ngành, hội đoàn thể, Phó Thủ tướng kết luận, cùng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, NHCSXH là một trong hai ngân hàng của Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị: “Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc NHCSXH suy nghĩ sao cho hoạt động của NHCSXH hài hòa mục tiêu xã hội và thị trường. Chính phủ lo cho hoạt động của NHCSXH nhưng bản thân Ban lãnh đạo NHCSXH cũng phải phát huy được sự chủ động sáng tạo. Cần có cơ chế chính sách sao cho huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho các NHTM Nhà nước”.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan hữu trách rà soát lại cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn mới. Chính sách phải bám sát thực tiễn. Muốn chính sách vào đời sống thì đời sống phải đi vào chính sách; NHCSXH và các ban ngành phải nghiên cứu phương thức để “cái khó ló cái khôn, chứ không để cái khó bó cái khôn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, về bổ sung kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng 2% (từ 8% lên 10%) và bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng chủ trì nghiên cứu vấn đề này và có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng – Thống đốc NHNN Việt Nam giữ chức Chủ tịch HĐQT NHCSXH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác. |