Khi nội - ngoại không cân sức
Gia tăng số lượng
Những năm gần đây, tuy không phát triển ồ ạt như ở Thủ đô Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, song thị trường bán lẻ tại TP. Đà Nẵng, vẫn âm thầm phát triển, với sự góp mặt của nhiều thương hiệu nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước. Theo đó, trên địa bàn thành phố hiện có đến 6 trung tâm thương mại tổng hợp, hơn 30 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp, cùng hàng nghìn cửa hàng, cửa hiệu các loại…
Tại TP. Đà Nẵng từ năm 2012 đến nay, hàng loạt siêu thị có quy mô vừa của các nhà đầu tư trong nước ra đời như: Co.opMart, Intimex, Thúy Mai, Đức Lâm… Bên cạnh, những điểm kinh doanh tại các khu vực trung tâm thành phố, các siêu thị này còn khai trương thêm nhiều chi nhánh ở ngoại thành, khu công nghiệp, bệnh viện…
Đơn cử, Intimex đã có hệ thống 3 siêu thị rải đều ở khu vực quận Hải Châu. Co.opMart đã có thêm cửa hàng tiện lợi phục vụ người dân ở khu vực gần Bệnh viện Ung thư, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Siêu thị nội đang đứng trước áp lực cạnh tranh |
Không chỉ các “anh hào” trong nước góp mặt, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, ngay cả trước khi có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài cũng đã xem TP. Đà Nẵng như là mảnh đất tiềm năng và nhanh chân có mặt như, Metro Cash Carry, BigC, Lotte Mart…
Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của TP. Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, thành phố sẽ còn phát triển thêm hàng loạt các siêu thị, cửa hàng hiện đại…
Vì sao thị trường bán lẻ tại TP. Đà Nẵng lại đang hấp dẫn nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước? Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do những tiềm năng phát triển của nó tại đây. Bởi, ngoài người tiêu dùng địa phương và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… thì hàng năm TP. Đà Nẵng còn đón hàng triệu lượt khách đến du lịch, tham quan và mua sắm.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại và quan hệ công chúng của BigC Việt Nam, mặc dù tình hình kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng năng lực phát triển của thị trường bán lẻ Đà Nẵng hiện nay vẫn rất cao.
Liên kết để tồn tại
Gia tăng nhanh về số lượng, hàng loạt siêu thị, trung tâm mua sắm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước ra đời đã đẩy thị trường bán lẻ vào thế cạnh tranh khá gay gắt. Trong thực tế, hoạt động của một số siêu thị, trung tâm mua sắm ở Đà Nẵng từng rơi vào cảnh “cầm hơi”, lay lắt tồn tại, thậm chí có nơi phải đóng cửa… Tình hình sẽ còn trở nên khó khăn hơn, khi Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO.
Bên cạnh đó, những cam kết khi gia nhập TPP; rồi Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức ra đời, cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối, sẽ mở ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho thị trường bán lẻ trong nước nói chung, và tại TP. Đà Nẵng nói riêng.
Trong cuộc cạnh tranh nội ngoại này, các siêu thị “cây nhà lá vườn” của chủ đầu tư trong nước đang ở thế yếu. Bởi, đó đa phần là những DN nhỏ, “mỏng” về tiềm lực tài chính, năng lực quản trị hạn chế. Trong khi, đối thủ của họ là những tập đoàn bán lẻ lớn, có thương hiệu toàn cầu, tiềm lực tài chính mạnh, có sức đầu tư cho kênh bán lẻ hiện đại một cách mạnh mẽ. Chỉ đơn cử, với tiềm năng tài chính vượt trội của mình, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài dễ dàng sở hữu những “khu đất vàng”, thuận lợi cho kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, những DN trong nước phải chật vật, thắt hầu bao cho việc chi trả tiền thuê mặt bằng. Chưa kể đến việc nhiều “ông lớn” bán lẻ nước ngoài trước khi đầu tư vào Việt Nam, đã xác định “hy sinh” lợi nhuận những năm đầu để giành thị phần về mình. Hoặc, sẵn sàng ưu tiên hỗ trợ cho hàng hóa có xuất xứ từ chính quốc bằng các biện pháp trợ giá khi thông qua kênh các nhà bán lẻ của họ tại Việt Nam. Cũng do có tiềm lực, nên họ dễ dàng kéo khách hàng bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Và như vậy, những siêu thị nhỏ tại địa phương như Intimex, Vietronimex... dù nỗ lực đến mấy cũng rất khó để cạnh tranh với những “ông lớn” Metro Cash Carry, BigC, Lotte Mart hay Parson… Do đó, dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng nhiều DN bán lẻ ở TP. Đà Nẵng vẫn không khỏi lo lắng. Đại diện một siêu thị ở thành phố bày tỏ, việc các tập đoàn bán lẻ lớn đầu tư vào Việt Nam đã tạo nên một áp lực cạnh tranh rất lớn, lúc miếng bánh được “chia năm sẻ bảy”.
Càng khó hơn cho các DN bán lẻ trong nước, khi chưa có sự hợp sức. Ngoài ra, không riêng tại TP. Đà Nẵng mà nhìn chung trong cả nước, DN bán lẻ hiện đang hoạt động khá độc lập với nhà sản xuất. Hay nói cách khác, mối liên kết giữa DN sản xuất và nhà phân phối còn rất lỏng lẻo…
Do vậy, để giữ được khách hàng truyền thống, theo nhiều ý kiến thì DN bán lẻ cần tập trung vào giải bài toán liên kết này. Ngoài ra, các DN bán lẻ cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, chuyên môn hóa, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ giao hàng, thanh toán và hậu mãi.
Tiếp sức cho ngành bán lẻ trong nước, các cơ quan chức năng cũng cần ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận tín dụng, mặt bằng… cho DN trong nước. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Có như vậy các DN bán lẻ trong nước mới đỡ lép vế hơn với những “ông lớn” đến từ nước ngoài.