“Máu” rừng bao giờ hết chảy
Thiếu trách nhiệm hay tiếp tay? | |
Báo động nạn phá rừng | |
Lâm tặc phá rừng đặc dụng |
Trước thực tế rừng ngày càng mất với diện tích lớn, gây ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài trên địa bàn Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ, Chính phủ đã có sự vào cuộc chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đóng cửa rừng, khôi phục các diện tích rừng do khai thác, ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện…
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, song các địa phương vẫn để diễn ra tình trạng phá rừng với quy mô lớn |
Tại hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 được tổ chức tại Đăk Lăk mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết đóng tất cả cửa rừng tự nhiên; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, kiểm soát, công an, tòa án... nâng cao trách nhiệm được giao ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đang xảy ra; làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là rất cụ thể cho từng ngành chức năng, từng địa phương có rừng thế nhưng gần đây các địa phương vẫn để diễn ra tình trạng phá rừng, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Đơn cử, mới đây, trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum), lực lượng chức năng phát hiện lâm tặc ngang nhiên vào phá rừng lấy gỗ giữa ban ngày. Song điều đáng nói, sự việc diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng đơn vị quản lý rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei (Kon Tum) lại không hề hay biết...
Trước thông tin lâm tặc ào ạt phá rừng chuyển gỗ ra ngoài tại lâm phần thuộc sự quản lý của doanh nghiệp nói trên, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng vào cuộc và xác định được các đối tượng phá rừng ở huyện Đăk Glei, thu giữ các phương tiện khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Điều đáng nói, việc lâm tặc phá rừng diễn ra công khai, dù trước khi vào rừng hoặc chuyển gỗ ra khỏi rừng, lâm tặc đều phải đi qua trước cửa Trạm quản lý bảo vệ rừng của các cánh rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei, thế nhưng rừng bị lâm tặc tàn phá lại do chính công ty này quản lý. Qua tìm hiểu, các lâm tặc cho biết, muốn vào được rừng để khai thác và đưa gỗ ra thì phải “làm luật” đầy đủ...
Thực tế cho thấy, tại khu vực rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei quản lý, mỗi ngày có hàng chục lượt người và phương tiện xe máy tự chế vào để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Điều khác biệt với những khu vực khác là các lâm tặc khai thác rừng trái phép tại lâm phần này không hề tỏ vẻ lo sợ khi phát hiện người lạ, vẫn ngang nhiên đón hạ, cưa xẻ rồi vận chuyển gỗ ra khỏi rừng…
Dọc tuyến đường lâm tặc chuyển gỗ, có một Trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng không có người làm nhiệm vụ; có barie chắn ngang đường nhưng chỉ chặn được ô tô, không chặn xe máy vận chuyển gỗ?
Việc lâm tặc vào phá rừng một cách công khai như chỗ không người tại lâm phần do đơn vị mình quản lý, thế nhưng Công ty TNHH MTV Đăk Glei - chủ rừng lại không hề hay biết. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, đã thành lập một trạm quản lý bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép, vào phát nương làm rẫy. Tất cả các trạm, chốt đều có người thường xuyên trực, đi kiểm tra, kiểm soát… Phần doanh nghiệp quản lý trong thời gian qua không có chuyện khai thác gỗ.
Trước sự tắc trách của đơn vị quản lý rừng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc điều tra làm rõ việc khai thác gỗ lậu ở huyện Đăk Glei, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã vào cuộc, điều tra và xác định được các đối tượng phá rừng và thu giữ các phương tiện khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định được 5 đối tượng cư trú tại làng Đăk Vức, xã Đăk Kroong huyện Đăk Glei tham gia phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ các phương tiện vận chuyển gỗ gồm: 5 xe độ chế và 2 máy cưa lốc.
Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện 6 gốc cây vừa bị cưa hạ, trong đó cây có đường kính lớn nhất trên 70cm. Số cây này ở hai tiểu khu 107 và 120 thuộc Lâm trường Đăk Ba do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei quản lý.
Hiện cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra, xác minh để làm rõ thêm 2 nhóm đối tượng khác chuyên khai thác gỗ lậu trên địa bàn. Cũng liên quan đến vụ việc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei quyết định tạm đình chỉ chức vụ Trạm trưởng trạm Quản lý Bảo vệ rừng đối với ông A Tim để điều tra làm rõ trách nhiệm.
Đây là trạm để các đối tượng khai thác gỗ ngang nhiên vận chuyển qua trạm. Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin về vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép nói trên và báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/7/2016.
Ngày 3/7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội địa phương. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Kon Tum xử lý nghiêm hành vi phá rừng tự nhiên hay chuyển rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp; tiếp tục tái cơ cấu nông lâm trường quốc doanh. Trong đó, chú ý rà soát lại quỹ đất đai của 7 nông lâm trường trên địa bàn, để giao đất, giao rừng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Kon Tum phối hợp chặt chẽ cơ chế phát triển rừng với giảm nghèo bền vững trên tinh thần người dân phải có đất sản xuất, có kế sinh nhai, gắn bó với rừng. |