Điều tra bổ sung vụ phá rừng Cà Nhông
“Máu” rừng bao giờ hết chảy | |
Thiếu trách nhiệm hay tiếp tay? | |
Kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc |
Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông nơi xảy ra sự việc |
Tiếp tay cho lâm tặc
Như Thời báo Ngân hàng đã có bài phản ánh, dư luận ở TP. Đà Nẵng và Quảng Nam từng xôn xao khi cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện hàng chục m3 gỗ quý được cất giấu ở khu vực rừng giáp ranh huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (TP. Đà Nẵng).
Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, với một số lượng lớn gỗ lậu bị phát hiện lại nằm gần với Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa), đã gây nên những hoài nghi trong dư luận. Khi nhiều người đặt câu hỏi có hay không việc “chống lưng” của lực lượng chức năng đối với lâm tặc?
Vì sao lâm tặc lại có thể dễ dàng khai thác số lượng gỗ lớn suốt một thời gian dài mà lực lượng bảo vệ, kiểm lâm không phát hiện ra? Sự nghi ngờ càng có cơ sở, bởi số gỗ lậu trên nếu vận chuyển ra bên ngoài chỉ có một con đường độc đạo đi ngang qua Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông...
Sau một thời gian điều tra, đây là đường dây phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa do đối tượng Vũ Văn Tam, trú tại Nam Định điều hành cùng các đồng phạm liên quan đã lần lượt bị bắt giữ. Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng đã xác minh làm rõ những cán bộ kiểm lâm biến chất tiếp tay cho lâm tặc.
Tại phiên toà sơ thẩm do TAND huyện Hoà Vang vừa mới tổ chức, các bị cáo bị truy tố về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” gồm: Vũ Văn Tam, trú tỉnh Nam Định, Đỗ Văn Lưu, Đinh Văn Thuấn, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Vụ, Phạm Văn Chính, cùng trú tại Ninh Bình, Vũ Văn Quý, Vũ Văn Pháp, cùng trú tại Thanh Hóa, Phạm Đình Lợi, Kiều Ngọc Trung, Sầm Tô Binh, Kiều Ngọc Quý trú tại Quảng Nam.
Riêng bị cáo Tam còn bị truy tố thêm tội “Đưa hối lộ”. Đặc biệt, một số lãnh đạo, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông bị truy tố tội nhận hối lộ gồm: Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông Phạm Phú Cường, Trạm phó Hồ Tấn Hai, Trạm phó Thủy Ngọc Trọng, nhân viên Nguyễn Văn Ấn, kỹ sư lâm nghiệp Lý Thanh Tùng, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Nhung, kiểm lâm viên Đinh Ngọc Bán.
Cần điều tra bổ sung
Ngoài các bị cáo trên, Nguyễn Quang Lộc (nguyên Trạm trưởng trạm Cà Nhông), do thiếu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng, không phát hiện các đối tượng đưa người vào rừng khai thác gỗ trái phép, nên cơ quan điều tra kiến nghị xử lý hành chính. Ngoài ra, còn có Lê Hoàng Sơn (nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm Đông Giang), thiếu trách nhiệm trong việc thu giữ số gỗ vi phạm, nên cơ quan kiểm tra kiến nghị cơ quan chủ quản nơi Sơn đang công tác xử lý…
Theo cáo trạng, Vũ Văn Tam từ Nam Định vào huyện Đông Giang sống bằng nghề khai thác vàng trái phép. Sau đó, đối tượng này biết rừng Cà Nhông ở huyện Hòa Vang (do Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa quản lý) có nhiều gỗ nên thuê người vào rừng để khai thác gỗ trái phép bắt đầu từ năm 2012.
Dưới sự chỉ đạo điều hành của Vũ Văn Tam, các đối tượng đã hạ cây, cưa và xẻ gỗ với tiền công 70 nghìn đồng/thanh. Đối tượng Đỗ Văn Lưu chỉ huy nhóm vận chuyển gỗ từ nơi khai thác đến nơi tập kết với giá khuân vác là 150 nghìn đồng/thanh. Sau khi khai thác, Tam liên hệ bán cho Phạm Đình Lợi với giá 550 nghìn đồng/thanh. Lợi tiếp tục thuê các đối tượng khác vào rừng vận chuyển gỗ trái phép cho mình…
Theo cơ quan chức năng, trong vụ phá rừng đặc dụng này nhóm lâm tặc lẫn các đối tượng tiếp tay đã gây ra thiệt hại hàng trăm m3 gỗ cây đứng nguyên khai, thiệt hại lớn đến giá trị lâm sản và môi trường đặc dụng tại khu vực rừng đặc dụng...
Để việc vận chuyển trót lọt, Vũ Văn Tam đã đặt vấn đề với các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và kiểm lâm viên địa bàn để được vào rừng khai thác gỗ trái phép và “lót tay” mỗi chuyến 5 triệu đồng. Theo đó, Tam đã chung chi 30 triệu đồng cho Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông. Trong khi đó, đối tượng Phạm Đình Lợi lo chung chi để vận chuyển gỗ trót lọt ra ngoài…
Điều đáng nói, tại phiên toà các đối tượng đã quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”. Theo đó, trong phần xét hỏi, đối tượng cầm đầu là Vũ Văn Tam một mực khẳng định bản thân không phạm tội.
Biện minh cho mình, Tam cho rằng, bị cáo thuê các bị cáo khác để chăm sóc và khai thác keo với tiền công 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những bị cáo được Tam thuê làm việc đều thừa nhận có khai thác gỗ cho Tam với tiền công như cáo trạng đã truy tố…
Đặc biệt, tại phiên toà HĐXX nhận định, cần làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Quang Lộc, nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông khi để Tam khai thác gỗ trái phép trong thời gian dài.
Với nhiều sự việc cần được làm sáng tỏ. TAND huyện Hòa Vang quyết định hoãn phiên sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong đường dây hối lộ để khai thác gỗ tại Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông, trả hồ sơ để điều tra bổ sung tiếp tục làm rõ các hành vi sai phạm của các đối tượng.