Khó khăn cải tạo chung cư cũ
Ông Nguyễn Văn Thu đã sống ở nhà C8 Giảng Võ (phòng 318) gần 30 năm, nay vẫn đang cố bám trụ lại, không muốn chuyển đi. Mặc dù, chính quyền địa phương đang hết sức thuyết phục các hộ dân như nhà ông Thu chấp nhận di dời đến khu tái định cư để lấy mặt bằng thi công chung cư mới trên phần diện tích hiện nay của nhà C8 Giảng Võ.
Khu chung cư C8 Giảng Võ
Nằm ở vị trí đẹp của Thủ đô, tại khu tập thể Giảng Võ hiện nay có khá nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp. Tuy nhiên, do các hộ dân gắn cuộc sống với địa bàn này, đặc biệt là các hộ tầng 1 có dịch vụ trông giữ xe, bán hàng tạp hóa… không nỡ dời đi. Còn nhiều hộ trên tầng cao đang “sống trong sợ hãi” nghe nói vị trí tái định cư xa cũng ngại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của gia đình, học hành con cái… Cho nên, lý lẽ đấu tranh là “có đi phải có về”.
“Văn bản mờ mịt không biết ngày nào về, người dân không tin”, ông Thu nói. Cũng bởi một sự thật đang hiển hiện, khu chung cư C1 Thành Công đã qua 6-7 năm thi công, nhưng đến nay vẫn chưa lên rõ hình hài. “Chúng tôi sẵn sàng đi, nhưng mong xác định ngày trở về”, bà Nguyễn Thị Minh (phòng 316, nhà C8), hàng xóm ông Thu sang góp chuyện.
Theo UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 1.155 chung cư từ 4 đến 6 tầng và 10 khu từ 1 đến 3 tầng. Phần lớn số nhà thấp tầng này hầu hết đã bán theo Nghị định 61/CP và người dân tự bỏ kinh phí để xây dựng, cải tạo lại. Tổng số diện tích nhà chung cư cũ khoảng 1,7 triệu m2, đã xây dựng cách đây khoảng 30-40 năm hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều năm qua, thành phố đã điều tra, đánh giá, phân loại các khu chung cư, khu công trình xuống cấp để từ đó tiến hành tu bổ, bảo trì, nhưng những công trình nguy hiểm cấp D sẽ phải tiến hành di chuyển dân để xây mới. Tuy nhiên, để đảm bảo người dân “có đi phải có về” thì trong xây dựng kế hoạch cải tạo chung cư cũ đang vấp phải vấn đề lớn là quy hoạch tầng cao. Theo quy định, trong 4 quận nội đô khi cải tạo nhà chung cư cũ ngoài việc tuân thủ quy hoạch thì tầng cao bị giới hạn 9 tầng trở xuống.
Ông Phạm Trung Tuyến, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS khẳng định, việc cải tạo chung cư cũ chậm mà nguyên nhân do quyền lợi của nhà đầu tư với người dân mất cân đối chính chiều cao công trình khống chế, nên mất 10 năm mới thực hiện được 14/982 công trình. Các DN tham gia cải tạo chung cư cũ cho rằng, mật độ xây dựng thấp sẽ khiến DN mất cân đối tài chính, làm không có lãi. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến DN rất khó tham gia vào các dự án loại này.
Điều này được ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin thêm, trên địa bàn quận hiện có 12 công trình chung cư cũ đang ở mức độ nguy hiểm. Nhiều DN định nhảy vào cải tạo nhưng sau đó đã “bỏ của chạy lấy người” vì lợi nhuận thấp. Một số DN cho rằng, muốn xây dựng mới chung cư cũ thì phải được xây cao khoảng 20 tầng họ mới có lãi. Cũng đề cập đến vấn đề chậm cải tạo các chung cư cũ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận có nguyên nhân do cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, để thúc đẩy quá trình cải tạo chung cư cũ cần có cơ chế mới hỗ trợ DN. “Vấn đề là phương thức đầu tư như thế nào để đảm bảo lợi ích và nhu cầu của người dân, nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của DN. Nếu DN không có lợi ích thì rất khó”, ông Thảo cho biết thêm.
Vì vậy, ông cho rằng, cần thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân. Tới đây, thành phố và Bộ Xây dựng sẽ trao đổi để có kiến nghị Thủ tướng về cơ chế chính sách đầu tư với loại nhà này. Bên cạnh đó, Hà Nội kiến nghị cần có thiết kế mẫu cho chung cư cũ để tránh tình trạng công trình không đồng nhất, gây mất cảnh quan đô thị.
Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cần tập trung vào những nghị định, xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, xây dựng quy hoạch tổng thể, trong đó tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch của các khu chung cư; xem xét lại một số quy định về tầng cao xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học và từ đó Bộ Xây dựng cùng Hà Nội sẽ xin ý kiến Chính phủ. Đặc biệt, lựa chọn các DN có năng lực tài chính, tâm huyết để xây dựng, cải tạo chung cư cũ.
Trường Sơn