Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD

08:00 | 11/12/2016 Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD
aa
Cần tập trung tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có điều kiện thi hành của các TCTD. Việc thi hành án có hiệu quả sẽ giúp làm giảm thực chất nợ xấu của TCTD.
Xử lý nợ xấu: Phải đảm bảo quyền xử lý TSBĐ cho ngân hàng
Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn của pháp luật
Nhận thức đủ và đúng về xử lý tài sản bảo đảm
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD
Ảnh minh họa

I. Tổng quan

Trong những năm gần đây, vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực và đưa ra nhiều giải pháp để xử lý và giải quyết vấn đề nợ xấu nói chung và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) nói riêng như: thành lập Công ty VAMC, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức các hội thảo, hội nghị để lắng nghe, từ đó xây dựng và điều chỉnh chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý TSĐB tương đối kịp thời... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, cản trở quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản chiếm tỷ lệ rất cao, trên 90% tổng nợ xấu nên nếu khâu xử lý TSBĐ của các TCTD bị vướng mắc, chắc chắn sẽ tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Vì lẽ đó, việc xác định những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ của các TCTD và đưa ra các giải pháp, biện pháp tháo gỡ là đặc biệt quan trọng.

Trước hết, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xử lý TSBĐ phải kể đến đó là do hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu các quy định pháp luật; các quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ không phù hợp, không đồng bộ, chồng chéo mâu thuẫn, thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của cơ quan liên quan thi hành pháp luật, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý TSBĐ.

II. Khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD

1. Nguyên nhân do quy định pháp luật​

1.1. Thiếu quy định của pháp luật

Trước tiên có thể thấy rằng, những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi xử lý TSBĐ có thể phát sinh hoặc/và do nguyên nhân từ giai đoạn thẩm định TSBĐ, ký kết Hợp đồng bảo đảm, đăng lý giao dịch bảo đảm, thu hồi TSBĐ, bán đấu giá TSBĐ, khởi kiện, thi hành án, chuyển quyền sở hữu TSBĐ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, có 04 (bốn) phương thức xử lý TSBĐ gồm:

-Bán TSBĐ

-Bán đấu giá TSBĐ

-Nhận chính TSBĐ để thay thế nghĩa vụ trả nợ

-Khởi kiện vụ án dân sự

Thứ nhất, về phương thức bán TSBĐ:

Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa làm rõ những trường hợp nào thì việc bán tài sản cần đặt dưới sự kiểm soát của Tòa án, trường hợp nào TCTD được chủ động tự bán TSBĐ.Nếu bên nhận bảo đảm (TCTD) được quyền bán tài sản thì cần phải tuân thủ các nghĩa vụ gì, để tránh lạm quyền, xâm phạm đến lợi ích của bên bảo đảm hay của các chủ thể khác.

Thứ hai, về phương thức bán đấu giá TSBĐ:

Đối với hình thức bán TSBĐ, một trong những nhược điểm của phương thức này là chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản khá cao, đặc biệt có hiện tượng thông đồng, ép giá giữa những người đăng ký mua tài sản đấu giá. Đây không phải là tình trạng hiếm xảy ra khi các TCTD tổ chức bán đấu giá TSBĐ. Cách đây 2 năm, tôi có trực tiếp tham gia phiên tổ chức bán đấu giá công khai TSBĐ tại chính trụ sở Chi nhánh của một TCTD. Mặc dù, phiên đấu giá được tổ chức ngay trên “sân nhà” nhưng trước khi phiên đấu giá diễn ra và bên ngoài địa điểm nơi tổ chức bán đấu giá TSBĐ, một trong các Bên tham gia đấu giá đã tổ chức ngăn cản, uy hiếp và dùng những thủ đoạn đe doạ khác đối với những người tham gia đấu giá để những những người đã mua hồ sơ đấu giá không được tham dự phiên đấu giá, đồng thời các đối tượng này đã ép để mua lại những hồ sơ này với giá 5.000.000 đồng/bộ hồ sơ. Phiên đấu giá sau đó đương nhiên các đối tượng này là người trúng đấu giá với giá thấp hơn giá trị thực, gây thiệt hại cho TCTD.

Thứ ba, về phương thức nhận chính TSBĐ để thay thế nghĩa vụ trả nợ

Theo quy định tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ, trường hợp giá trị của TSBĐ lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dường như hai bên rất khó tìm được sự đồng thuận về giá trị của TSBĐ dùng để khấu trừ nghĩa vụ nợ, đặc biệt khi giá trị TSBĐ tại thời điểm xử lý thường thấp hơn giá trị khoản vay. Trong nhiều trường hợp, TCTD buộc phải chấp nhận giá trị của tài sản cao hơn so với giá trị thị trường để có thể thu hồi dứt điểm khoản nợ.

Thứ tư, về phương thức xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện, thi hành án

Phương pháp xử lý TSBĐ bằng hình thức khởi kiện bên vay/bên bảo đảm ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc trả nợ thường là biện pháp “cực chẳng đã” vì thời gian giải quyết kéo dài cả năm, thậm chí vài năm với rất nhiều chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức (tiền tạm ứng án phí, tiền thuê luật sư…) và chi phí không chính thức, thậm chí ngay cả khi có được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án theo hướng TCTD được quyền xử lý TSBĐ nhưng việc xử lý TSBĐ của người phải thi hành án cũng không dễ dàng và gặp nhiều khó khăn, chí phí tốn kém.

Tuy nhiên, với những hạn chế và không khả thi của 3 phương thức xử lý TSBĐ đầu tiên, đặc biệt là nếu TCTD lựa chọn phương thức tự thu giữ TSBĐ mà không có mặt hoặc không có sự hợp tác, thậm chí chống đối của Bên có TSBĐ/người đang quản lý TSBĐ thì người của TCTD có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản, hoặc xâm phạm trái phép chỗ ở của công dân (nếu TCTD có các hành vi như cưỡng chế, sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực yêu cầu người vay/người có TSBĐ ra khỏi nơi có TSBĐ để thu giữ tài sản). Hoặc thực tế có nhiều trường hợp Bên vay/Bên có TSBĐ quay phim, chụp ảnh và cố tình đưa thông tin một chiều lên các trang mạng xã hội hoặc gửi các cơ quan báo chí, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh của TCTD.

Vì vậy, mặc dù phần lớn các TCTD không muốn lựa chọn xử lý TSBĐ theo phương thức khởi kiện nhưng trên thực tế, các TCTD buộc phải chọn phương thức này. Đây là phương thức xử lý TSBĐ phổ biến, được các TCTD lựa chọn nhiều nhất, nhưng những quy định pháp luật liên quan đến phương thức xử lý TSBĐ thông qua con đường Toà án lại đang chứa đựng những bất cập và lỗ hổng pháp lý lớn, bởi Bộ luật Tố tụng dân sự và các quy định liên quan đến việc xử lý TSBĐ chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về các bước của quá trình tố tụng, đó là:

(i) Thiếu quy định về định giá TSBĐ khi tiến hành xử lý

Hiện nay, việc định giá tài sản khi thực hiện xử lý TSBĐ được các TCTD thực hiện như một khâu độc lập với quá trình định giá khi ký kết hợp đồng bảo đảm hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo đảm.

Khi phải tiến hành xử lý TSBĐ, một số TCTD đã tự xác định giá trị tài sản hoặc căn cứ giá trị định giá ban đầu để xử lý nhằm thu hồi khoản nợ một cách nhanh chóng. Việc không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với bên bảo đảm hoặc thuê một tổ chức có chức năng định giá chuyên nghiệp và độc lập để định giá TSBĐ cần xử lý có thể làm phát sinh tranh chấp giữa ngân hàng và bên bảo đảm khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chủ thể nào có quyền lựa chọn cơ quan thẩm định giá. Vướng mắc này phần nào đã được tháo gỡ khi Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn một số vấn đề xử lý TSBĐ được ban hành, hiệu lực từ 22/7/2014. Theo đó, nếu bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không thỏa thuận được giá bán TSBĐ thì ngay cả trong trường hợp bên bảo đảm bất hợp tác, phía TCTD cũng có thể chỉ định tổ chức thẩm định giá để xác định giá bán tài sản (Điều 10 của Thông tư 16).

Tuy nhiên, với một số loại tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất thuê của Nhà nước thì rất khó xác định giá bởi chưa có căn cứ xác định “giá thị trường” đối với loại đất này khi có hai cơ chế để tính giá đối với quyền sử dụng đất. Cơ chế giá thứ nhất là theo “khung giá” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành khi giao đất có thu tiền hay cho thuê đất đối với các chủ thể là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất. Cơ chế giá thứ hai là xác định theo thỏa thuận của các chủ thể có quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng, cho thuê đối với các chủ thể khác.

(ii) Chưa có quy định về trình tự, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Thực tế trong quá trình xử lý TSBĐ cho thấy có nhiều trường hợp, khách hàng vay là doanh nghiệp, khi bị phá sản, dừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; khách hàng vay là cá nhân thay đổi địa chỉ liên lạc mà không thông báo cho TCTD, bất hợp tác, không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trong những trường hợp này, việc triệu tập bị đơn tham gia hòa giải là không thể và không cần thiết. Việc ban hành trình tự tố tụng dân sự rút gọn sẽ giúp các bên liên quan tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thông qua con đường tố tụng.

(iii) Chưa có quy định cụ thể về thời gian hòa giải

Bộ luật TTDS và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) không có quy định về thời gian của mỗi phiên hòa giải, số lần được hoãn hòa giải, số lần hoà giải. Do đó, thời gian hòa giải thường kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

(iv) Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc thu giữ TSBĐ

Thực tế xử lý TSBĐ cho thấy, Bên có TSBĐ thường bất hợp tác, tìm cách chây ì, trì hoãn không chuyển giao TSBĐ trong khi Bên nhận TSBBĐ không có quyền cưỡng chế, tịch thu hay kê biên tài sản. Mặt khác, cho dù pháp luật về giao dịch bảo đảm có quy định rằng bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu ủy ban nhân dân có thẩm quyền và công an cấp xã giữu gìn an ninh trật tự, đảm bảo công tác xử lý TSB nhưng không thực sự được áp dụng hiệu quả trên thực tế vì các đơn vị này cũng chỉ thực hiện các công việc có tích chất “hỗ trợ” chứ không có tính quyết định để buộc bên bảo đảm phải bàn giao tài sản cho ngân hàng. Vì chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân và cơ quan Công an trong việc tiếp cận, thu giữ và xử lý TSBĐ nên các TCTD gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự thì Cơ quan thi hành án dân sự phải có kế hoạch cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương và Công an không phối hợp thì việc cưỡng chế cũng không thực hiện được. Nhất là bên bảo đảm là đối tượng chính sách thì việc cưỡng chế vốn đã gặp nhiều khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp yêu cầu thi hành án nhiều năm, nhưng Cơ quan Thi hành án dân sự chưa thể tổ chức cưỡng chế thu hồi được TSBĐ để bán đấu giá thu hồi nợ cho TCTD.

1.2. Quy định pháp luật không phù hợp

Thứ nhất,quy định về xét xử vắng mặt bị đơn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì trong trường hợp không xác định được địa chỉ của bị đơn ở thời điểm khởi kiện và không có căn cứ kết luận bị đơn cố tình dấu địa chỉ thì nếu Toà án đã thụ lý thì phải đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Điều này có nghĩa là chỉ trong trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì Tòa án mới thụ lý để giải quyết. Do đó, để thực hiện được việc khởi kiện thì trước hết TCTD phải thực hiện việc tìm địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu Toà án xét xử vắng mặt trong trường hợp này thì sẽ bị coi là vi phạm tố tụng và sẽ bị kháng nghị huỷ bản án. Thực tế vụ án dưới đây cho thấy bên vay vốn và có TSBĐ cố tình trốn tránh, thay đổi địa chỉ nhưng Toà án cấp phúc thẩm vẫn huỷ bản án của Toà cấp sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm đã không làm hết trách nhiệm, không áp dụng mọi cách để tìm địa chỉ của bị đơn mà vẫn xét xử vắng mặt bị đơn (trên thực tế các TCTD rất khó để chứng minh trường hợp nào là cố tình trốn tránh, trường hợp nào là không tìm được địa chỉ của bị đơn).

Ví dụ vụ tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là Công ty Phú Cường. Trong vụ án này, trong đơn khởi kiện nguyên đơn xác định bị đơn có địa chỉ tại số 156, đường Chiến Thắng, phường Văn Mỗ, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Sau đó,Toà án cấp sơ thẩm đã xác minh được Công ty Phú Cường không còn ở địa chỉ 156 đường Chiến Thắng, phường Văn Mỗ, quận Hà Đông từ năm 2013 và không tìm được địa chỉ của bị đơn nên Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn và xét xử vắng mặt bị đơn do bị đơn thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho Ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi bản án trên bị kháng cáo, Toà án cấp phúc thẩm cho rằng, trong các tài liệu có trong hồ sơ do nguyên đơn cung cấp (hoá đơn VAT, thông báo gửi bị đơn...) thể hiện công ty Phú Cường còn có địa chỉ ở xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi giao các văn bản tố tụng thì Toà án cấp sơ thẩm chỉ niêm yết tại phường Văn Mỗ (nay là phường Văn Quán) và địa chỉ 156, đường Chiến Thắng, phường Văn Mỗ, quận Hà Đông, TP Hà Nội mà không thực hiện việc gửi giấy triệu tập cũng như niêm yết giấy triệu tập tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm cho rằng việc niêm yết này không đúng quy định tại Điều 154 Bộ luật TTDS, không bảo đảm thông tin đến được người đại diện của Công ty Phú Cường. Không những thế, Toà án cấp phúc thẩm còn cho rằng trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bị đơn do nguyên đơn cung cấp có ghi địa chỉ của các thành viên sáng lập công ty Phú Cường nhưng cấp sơ thẩm cũng không xác minh địa chỉ này để triệu tập người đại diện của công ty Phú Cường là không đầy đủ. Vì vậy, cấp phúc thẩm cho rằng cần phải có mặt bị đơn để giải quyết vụ kiện này để bảo đảm quyền và lợi ích cho bị đơn và người những có TSBĐ nên đã huỷ bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

Hay trong một vụ án tranh chấp khác giữa nguyên đơn là Ngân hàng B với Công ty Hải Long, trong quá trình giải quyết vụ án, do công ty Hải Long không còn đặt trụ sở tại số 1A, ngõ Tuổi Trẻ, đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm nên Toà án cấp sơ thẩm đã niêm yết thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập, thông báo hoà giải, Quyết định đưa vụ án ra xét xử tại trụ sở tại số 1A, ngõ Tuổi Trẻ, đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm và tại trụ sở UBND phường Cổ Nhuế (nơi Công ty Hải Long đăng ký trụ sở theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và cũng đã gửi thông báo đến các thành viên của công ty gồm: ông Nguyễn Đình Bang (địa chỉ số 4 Hàng Rươi, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thuỷ (địa chỉ tập thể diêm Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội) nhưng không có kết quả. Vì thế toà án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt bị đơn. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm nêu trên sau khi có hiệu lực pháp luật đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại vì cho rằng việc tống đạt bằng hình thức niêm yết tất cả các văn bản tố tụng tại trụ sở UBND phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (nơi công ty Hải Long đặt trụ sở) và tại số 1A, ngõ Tuổi Trẻ, đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm (địa chỉ trụ sở Công ty Hải Long) là chưa đầy đủ vì Toà án cấp sơ thẩm biết Công ty Hải Long không còn đặt trụ sở ở đây nữa mà không yêu cầu nguyên đơn và các thành viên (cũ và mới) của Công ty Hải Long cung cấp địa chỉ mới của Công ty Hải Long là thiếu sót nghiêm trọng.

Thứ hai,quy định về phí thi hành án bất hợp lý

Theo quy định của Pháp luật về thi hành án dân sự, người được thi hành án phải nộp phí thi hành án với mức 3%. Quy định này vô hình chung khuyến khích người phải thi hành án chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, kéo dài thời gian thi hành án, xâm phạm quyền lợi của người được thi hành án. Trong bối cảnh TCTD không thể thu hồi đủ nợ, mức phí thi hành án sẽ gây thêm khó khăn về tài chính cho TCTD.

Thứ ba, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án

Khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định: “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà Bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi xử lý tài sản thế chấp mà tài sản thế chấp sau khi trừ các chi phí về thi hành án không đủ trả nợ vay cho TCTD và tiền án phí người bị kiện chưa thi hành, cơ quan thi hành án thường yêu cầu TCTD ưu tiên thu tiền án phí trước (để hoàn thành nghĩa vụ thu ngân sách nhà nước) dẫn đến TCTD đã không thu hồi đủ nợ gốc lại bị trừ rất nhiều chi phí liên quan.

Thứ tư, Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định về chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ, nhưng Bộ luật Dân sự cũng có quy định: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu”. Như vậy, khi xử lý TSBĐ, TCTD phải trông chờ vào sự hợp tác của chủ sở hữu (người vay hoặc bên bảo lãnh). Đây là điều bất hợp lý bởi Bên có TSBĐ thường không hợp tác, thậm chí chống đối quyết liệt khi TCTD tiếp cận xử lý TSBĐ.

Ngoài ra, Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm có quy định, bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ, hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhưng trong thực tế, các TCTD (người xử lý tài sản) không dễ thực hiện các quyền này.

2. Nguyên nhân do thực tế áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền​

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSBĐ (Thông tư liên tịch 16), bên nhận bảo đảm được ký các hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản nếu bến bảo đảm không tự nguyện ký các giấy tờ này. Tuy nhiên, trên thực tế, một số công chứng viên vẫn yêu cầu TCTD chỉ được ký hợp đồng với tư cách là bên bán TSBĐ nếu có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu tài sản và giá bán phải được sự đồng ý của chủ sở hữu. Điều này đã gây khó khăn cho TCTD vì khách hàng thường không hợp tác và không đồng ý ký văn bản ủy quyền dẫn đến tài sản không thể sang tên cho người mua.

Việc xử lý nợ xấu không chỉ gặp vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa đồng bộ, bất cập mà còn gặp phải những khó khăn, bất cập do chính cách hiểu và áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Tòa án, Viện Kiểm sát. Thực tiễn vừa qua cho thấy, nhiều giao dịch bảo đảm các TCTD thực hiện đúng theo quy định của pháp luật nhưng có nguy cơ bị tuyên vô hiệu do cách hiểu không đúng của một số Tòa án.

Thứ nhất, Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định

Theo quy định tại Bộ luật TTDS, TCTD có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này thường phụ thuộc vào ý chí của Thẩm phán. Do đó, trên thực tế, trong quá trình Tòa án xét xử vụ án dân sự, bị đơn có hành vi tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Song việc TCTD yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 102 Bộ luật TTDS là rất khó khăn, dẫn đến không phải trường hợp nào nguyên đơn cũng thực hiện được quyền ngăn chặn bị đơn tẩu tán tài sản.

Thứ hai, Tòa án áp dụng không đúng về quy định lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng tín dụng

Việc TCTD và khách hàng thỏa thuận lãi suất nợ quá hạn đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, phạt chậm trả đối với nợ lãi và phạt vi phạm các nghĩa vụ khác theo hợp đồng là phù hợp với quy định của BLDS và các văn bản quy phạm pháp luật của NHNN. Việc thỏa thuận các biện pháp này là hoàn toàn cần thiết, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên khi tham gia hợp đồng tín dụng, mang các mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế các Tòa án có các cách hiểu khác nhau về phạt chậm trả. Theo đó, có Tòa án không chấp nhận việc TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cả lãi suất nợ quá hạn đối với nợ gốc và phạt vi phạm hợp đồng tín dụng đối với nghĩa vụ chậm trả lãi, có Tòa án chấp nhận thỏa thuận này, gây khó khăn cho TCTD trong quá trình xử lý nợ.

Thứ ba, Tòa án hiểu không đúng về biện pháp thế chấp và biện pháp bảo lãnh

Trên thực tế, một số Tòa án, Viện kiểm sát các cấp còn có cách hiểu chưa chính xác về biện pháp thế chấp và bảo lãnh. Khi xét xử, một số thẩm phán, kiểm sát viên cho rằng biện pháp thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ người khác là biện pháp bảo lãnh và tuyên vô hiệu các hợp đồng thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ người khác dù các hợp đồng thế chấp này đã được công chức, đăng ký thế chấp đúng quy định của pháp luật, dẫn đến hợp đồng tín dụng từ có TSBĐ thành không có TSBĐ và có nguy cơ làm vô hiệu hàng loạt hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba trong toàn hệ thống các TCTD.

Việc Tòa án ra phán quyết Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp vô hiệu là không phù hợp với các quy định của pháp luật về thế chấp bằng QSDĐ của Bên thứ ba, điều này đã, đang và sẽ gây nên sự xáo trộn lớn trong đời sống xã hội và gây bất lợi cho các TCTD.

Thứ tư, vướng mắc do Tòa án hiểu không đúng quy định của BLDS về một tài sản có thể đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ

Căn cứ các quy định nêu trên, việc các bên thỏa thuận nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm cả các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai (các nghĩa vụ tại các hợp đồng tín dụng được ký kết sau ngày ký hợp đồng bảo đảm) là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến yêu cầu phát mãi TSBĐ để đảm bảo cho nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng được ký sau ngày ký hợp đồng thế chấp thì thẩm phán không chấp nhận vì cho rằng hợp đồng thế chấp chỉ được đảm bảo cho hợp đồng tín dụng đã được ký kết vào thời điểm ký hợp đồng thế chấp. Việc các Thẩm phán không chấp nhận một TSBĐ cho các nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng được ký kết sau ngày ký hợp đồng thế chấp là không phù hợp với quy định tại Điều 344 BLDS quy định: “Thời hạn thế chấp do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm” và Khoản 5 Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm cả nghĩa vụ hình thành trong tương lai.

Thứ năm, tổ chức bán đấu giá yêu cầu việc bán đấu giá tài sản bảo đảm phải có văn bản ủy quyền bán đấu giá

Khoản 4 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 11/2012/NĐ-CP) quy định: “Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý TSBĐ mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm”.

Tuy nhiên, các trung tâm bán đấu giá vẫn yêu cầu việc bán TSBĐ phải có đồng ý của bên bảo đảm. Do đó, trường hợp khách hàng bỏ trốn, không hợp tác, không ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá thì TCTD không thể ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm bán đấu giá. Do đó, việc bán đấu giá không thể thực hiện được, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của TCTD.

Thông tư liên tịch 16 cũng quy định trường hợp nhận chính TSBĐ để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận khác về việc nhận chính TSBĐ để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm được sử dụng thay thế hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản không chấp nhận các giấy tờ chuyển quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản do bên nhận bảo đảm ký trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký các giấy tờ này mà yêu cầu phải qua hợp đồng chuyển nhượng giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm.

Khoản 5 Điều 12 Thông tư liên tịch 16 cho phép công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng trước khi xóa đăng ký thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế các văn phòng QSDĐ đều yêu cầu TCTD phải xóa đăng ký thế chấp trước. Việc xóa đăng ký thế chấp trước khi chuyển nhượng dẫn đến khoản nợ của TCTD từ có TSBĐ thành không có TSBĐ.

Thứ sáu, chấp hành viên chưa thực hiện đúng quy định về các thời hạn trong thi hành án

Luật thi hành án dân sự 2008 đã có các quy định về thời hạn ra quyết định thi hành án dân sự, thời hạn ra quyết định thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 36), thời hạn thông báo thi hành án (Điều 39), thời hạn cưỡng chế (Điều 46). Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn tồn tại các trường hợp, Chấp hành viên chưa thực hiện đúng các quy định về thời hạn trong thi hành án dân sự dẫn đến việc thi hành án hết sức chậm trễ, kéo dài.

Ngoài ra, khi tham gia vào quá trình tố tụng, TCTD còn gặp nhiều khó khăn khác do cách áp dụng pháp luật không đúng như Tòa án tuyên tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng quy định; Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ vụ án với căn cứ không đúng căn cứ pháp luật; Tòa án yêu cầu TCTD cung cấp địa chỉ của những người hiện đang sử dụng tài sản thế chấp tại thời điểm TCTD nộp hồ sơ khởi kiện; Tòa án yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh về vấn đề mà pháp luật quy định không phải chứng minh; Cơ quan thi hành án từ chối kê biên tài sản thế chấp không đúng quy định pháp luật.

Thứ bảy, thẩm phán các Toà án trả lại hồ sơ khởi kiện không đúng

Thực tế cho thấy, đối với ngành toà án, thời điểm tổng kết và báo cáo công tác xét xử của năm bắt đầu diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Đây là thời điểm mà hầu hết các toà đều tìm mọi cách để không thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện, đặc biệt là các vụ án phức tạp, mặc dù hồ sơ khởi kiện đầy đủ và đúng quy định. Bởi nếu thụ lý trong thời gian này mà không thể đưa ra xét xử được ngay thì những vụ án này sẽ bị coi là án tồn, ảnh hưởng đến thành tích của các thẩm phán nói riêng và của cấp toà nói chung. Thực tế này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự, khiến các vụ án mà TCTD khởi kiện vốn đã kéo dài, nay còn kéo dài hơn.

3. Nguyên nhân từ chính các TCTD

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đã nêu ở trên, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý TSBĐ hay do sự bất hợp tác của khách hàng còn có nguyên nhân chủ quan thuộc về TCTD.

Các TCTD với tư cách là bên cho vay, chủ động áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay cũng như xử lý TSBĐ của khách hàng vay để thu hồi nợ nên yếu tố chủ quan của TCTD thường mang tính quyết định và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động xử lý TSBĐ. Do đó, các nguyên nhân thuộc về TCTD được xem là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc xác lập các giao dịch bảo đảm cũng như xử lý TSBĐ tại các TCTD. Một số nguyên nhân chủ quan phải kể đến là:

Thứ nhất, một số TCTD chưa chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm như tính pháp lý của TSBĐ không đầy đủ, không công chứng hợp đồng thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm… Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân xuất phát từ tính vô nguyên tắc của một bộ phận cán bộ ngân hàng.

Thứ hai, công tác thẩm định giá trị TSBĐ chưa được TCTD quan tâm đúng mức. Không hiếm trường hợp TSBĐ được định giá cao hơn giá thị trường (phần lớn do nguyên nhân chủ quan) hoặc TCTD không thể định giá chính xác do TSBĐ là dây chuyền thiết bị hoặc công trình đặc biệt, không có giá tham chiếu trên thị trường.

Thứ ba, chất lượng nhân sự của đội ngũ cán bộ làm công tác xử lý TSBĐ ở nhiều TCTD còn hạn chế, đặc biệt là thiếu am hiểu và vận dụng đúng các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch bảo đảm cũng như trình tự xử lý TSBĐ để thu hồi nợ vay.

Thứ tư, công tác quản lý TSBĐ chưa chặt chẽ, gây thất thoát TSBĐ. Đến khi khách hàng không trả được nợ, TCTD tiến hành xử lý TSBĐ mới phát hiện TSBĐ đã bị mất hoặc khách hàng đã dùng chính TSBĐ để thế chấp tại một TCTD khác.

III. Kiến nghị

1. Xuất phát từ những nguyên nhân kể trên, đặc biệt là nguyên nhân từ cơ chế chính sách pháp luật còn thiếu, không phù hợp, chồng chéo dẫn đến những vướng mắc khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ nói riêng. Để xử lý vấn đề này, ngoài việc chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, chúng ta cũng cần phải xác định cụ thể và chỉ ra các cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết, phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, bao gồm cả các cơ quan tham mưu và cơ quan ban hành chính sách. Theo đó, Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Toà án Nhân dân Tối cao trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý TSBĐ. Trong đó, ngoài việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định bất hợp lý hiện nay về xử lý TSBĐ (ví dụ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Công an, UBND nơi tiến hành thu giữ TSBĐ trong việc phối hợp với các TCTD và VAMC thu giữ TSBĐ, bổ sung về thủ tục giải chấp từng phần đối với tài sản là QSDĐ và tài sản gắn liền với…) thì Nghị định này cần quy định chi tiết trình tự thủ tục xử lý TSBĐ.

2. Ngoài ra, Tòa án Nhân dân tối cao cần nghiên cứu xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về việc thụ lý xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với trường hợp các đương sự này mất tích, bỏ trốn, vắng mặt tại nơi cư trú/trụ sở công ty. Đồng thời, ban hành các án lệ đối với các vụ án có liên quan đến việc TCTD khởi kiện khách hàng để áp dụng thống nhất trong công tác xét xử, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, tiến độ xử lý nợ xấu và xử lý TSBĐ.

3. Nhằm khuyến khích các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu và khuyến khích sự hợp tác của bên bảo đảm khi tham gia quá trình xử lý tài sản, Luật thi hành án dân sự cần sửa đổi bổ sung như sau: (i): Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm trước khi trừ các chi phí về thi hành án; (ii) Việc kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp chỉ được thực hiện khi nghĩa vụ được bảo đảm đến hạn, khoản tiền thu được từ việc bán TSBĐ phải ưu tiên thanh toán nghĩa vụ của bên bảo đảm; (iii) Quy định người phải thi hành án chịu toàn bộ phí thi hành án, đồng thời áp dụng thêm các chế tài đối với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian thi hành án như buộc phải trả lãi suất trả chậm…

4. Nâng cao hơn hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự. Trong đó cần tập trung tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có điều kiện thi hành của các TCTD. Việc thi hành án có hiệu quả sẽ giúp làm giảm thực chất nợ xấu của TCTD.

Luật sư Lê Hồng Hiển - Công ty luật Nay & Mai
Nguồn:

Các tin khác

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thi hành án dân sự liên quan đến xử lý TSBĐ của các TCTD

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thi hành án dân sự liên quan đến xử lý TSBĐ của các TCTD 1

Trong những năm gần đây, công tác xử lý thu hồi nợ của Vietcombank đã được đẩy mạnh, từ đó việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) thông qua khởi kiện, yêu cầu thi hành án tại Vietcombank đã tăng lên đáng kể. 
Thực tiễn áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo quy định của bộ luật dân sự Nhật Bản

Thực tiễn áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo quy định của bộ luật dân sự Nhật Bản

Bảo lãnh bằng tài sản là hình thức áp dụng phổ biến ở Nhật Bản trong quan hệ tín dụng bên cạnh bảo lãnh bằng uy tín dễ dàng thực hiện. Trong bảo lãnh bằng tài sản, người bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện cam kết bảo lãnh khi người được bảo lãnh là con nợ không hoàn trả được khoản vay.
Vướng mắc của các TCTD trong hoạt động thu giữ TSBĐ để thu nợ

Vướng mắc của các TCTD trong hoạt động thu giữ TSBĐ để thu nợ 1

Mức độ ảnh hưởng nợ xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội và giải pháp xử lý nợ xấu vẫn đang là đề tài “nóng” của Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhận diện được tình hình, từ năm 2012 đến nay, Hội đồng quản trị Techcombank đã có những chính sách xử lý nợ rất quyết liệt: ngoài việc phối hợp với VAMC, quan trọng vẫn phải là các biện pháp tự xử lý nợ xấu. 
Pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD: Vai trò đối với DN và nền kinh tế

Pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD: Vai trò đối với DN và nền kinh tế

Các bất cập của hệ thống pháp luật và các vướng mắc nảy sinh trong việc thi hành các quy định pháp luật làm cho cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD hoạt động kém hiệu quả...
Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu

Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu

Nhiều trường hợp chủ tài sản cố tình tạo tranh chấp dẫn đến việc Cơ quan thi hành án dân sự phải hướng dẫn các đương sự khởi kiện vụ án dân sự để giải quyết tranh chấp và việc thi hành án bị tạm hoãn
Đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật

Đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật

Xử lý TSBĐ của TCTD vốn đã khó, lại còn khó khăn hơn trong những trường hợp “đặc biệt”
Khó khăn vướng mắc khi TCTD xử lý tài sản bảo đảm

Khó khăn vướng mắc khi TCTD xử lý tài sản bảo đảm

Cần quy định chế tài rất cụ thể đối với việc chây ỳ, không bàn giao TSBĐ của bên thế chấp, bên quản lý tài sản đồng thời cho phép các cơ quan Thi hành án được tổ chức cưỡng chế bàn giao TSBĐ cho bên trúng đấu giá khi hoàn tất việc đấu giá tài sản theo quy định.
Các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và kiến nghị

Các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm và kiến nghị

Các TCTD đối mặt với rủi ro mất TSBĐ nếu Tòa án có quan điểm Hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản của bên thứ ba là không đúng quy định của Bộ luật Dân sự và tuyên hợp đồng này vô hiệu.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD

Quy định tại Điều 20a Nghị định 163 gây khó khăn cho TCTD trong việc quản lý tài sản, tạo cơ hội cho bên bảo đảm thực hiện hành vi tẩu tán, chuyển nhượng bất hợp pháp TSBĐ...
Quyền xử lý TSBĐ, hiện trạng và những khó khăn trong quá trình xử lý

Quyền xử lý TSBĐ, hiện trạng và những khó khăn trong quá trình xử lý

Cơ quan thi hành án cấp trên và Viện Kiểm sát cần giám sát chặt chẽ việc thi hành những bản án có điều kiện thi hành đúng thời gian quy định. Tránh tình trạng kéo dài việc thi hành bản án như hiện nay sẽ dẫn đến tiêu cực trong trong quá trình thực hiện.
Khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD

Khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền xử lý TSBĐ của TCTD

Để việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng, mang lại lợi ích cho TCTD, bên bảo đảm, khách hàng vay và nền kinh tế thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đồng thời cần sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ...
TCTD và khó khăn vướng mắc trong quá trình nhận TSBĐ là nhà ở

TCTD và khó khăn vướng mắc trong quá trình nhận TSBĐ là nhà ở

Trong quá trình nhận tài sản bảo đảm (TSBĐ) là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, quyền tài sản liên quan đến nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh một số vướng mắc như sau:
Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 3)

Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 3)

TCTD phải tìm được địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lợi dụng quy định này nhiều khách hàng - đối tượng phải THA đã… trốn thật kỹ.
Tổng quan pháp luật về quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD

Tổng quan pháp luật về quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD

Tín dụng ngân hàng luôn là một kênh cung cấp nguồn vốn tín dụng quan trọng cho DN và nền kinh tế. Do đó, việc đảm bảo các giải pháp tăng cường hiệu quả của các nguồn vốn tín dụng ngân hàng là rất cần thiết. 
Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn kinh tế

Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn kinh tế

Mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015 đã hoàn thành. Để đạt được mục tiêu này chúng ta đã và đang áp dụng hàng loạt biện pháp như NHTM trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC để VAMC xử lý theo nguyên tắc thị trường và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), tài sản thế chấp...
Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn cung và tăng cường biện pháp quản lý xăng dầu

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo nguồn cung và tăng cường biện pháp quản lý xăng dầu

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu chưa thực hiện nghiêm quy định; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp...
Số hóa chi trả an sinh xã hội: Tiền đến người thụ hưởng minh bạch, an toàn

Số hóa chi trả an sinh xã hội: Tiền đến người thụ hưởng minh bạch, an toàn

Chiều 26/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân".
Standard Chartered dự báo GDP quý I đạt 6,1%

Standard Chartered dự báo GDP quý I đạt 6,1%

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo trước lạm phát gia tăng, tăng trưởng GDP quý I duy trì ở mức vừa phải, đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thành nhiệm vụ chung

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thành nhiệm vụ chung

Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là một chương trình hết sức cần thiết và ý nghĩa để chính quyền và ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khơi thông tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
thuc hien quy che dan chu o co so cua nganh ngan hang nam 2023

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng năm 2023

Ngày 21/3/2024, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Ban chỉ đạo tham dự và chủ trì Hội nghị.
doan cong tac nhnn lam viec voi tinh hoa binh

Đoàn công tác NHNN làm việc với tỉnh Hòa Bình

Ngày 22/2/2024, Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với tỉnh Hòa Bình về hoạt động ngân hàng, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
nganh ngan hang thuc day tang truong tin dung nam 2024

Ngành Ngân hàng: Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024

Ngày 20/2/2024, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đồng chủ trì.
thong doc nguyen thi hong thap tung thu tuong tham du hoi nghi thuong nien lan thu 54 wef davos 2024

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tháp tùng Thủ tướng tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF Davos 2024

Từ ngày 16-23/1/2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã tham gia tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania.
ngan hang hop tac xa viet nam trien khai nhiem vu nam 2024

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ngày 11/1/2024, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.
ban tin tai chinh ngan hang tu ngay 15 21012024

Bản tin Tài chính - Ngân hàng từ ngày 15-21/01/2024

Trong tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Từ ngày 16 đến 18/1/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham gia Đoàn Chính phủ Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên năm 2024 tại Davos, Thụy Sỹ; Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Công đoàn Ngân hàng Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ 2023-2028…
cic tru co t quan tro ng cu a co so ha ta ng ta i chi nh quo c gia

CIC - Trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia

Ngày 16/1/2024, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức “Hội nghị Tổng kết hoạt động thông tin tín dụng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024”.
hoi nghi trien khai nhiem vu nganh ngan hang nam 2024

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024

Ngày 8/1/2024, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
dam bao an ninh an toan trong hoat dong thanh toan

Đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán

Ngày 9/1/2024, tại Hà Nội, NHNN tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN chủ trì Hội nghị.
trien khai nhiem vu nganh ngan hang nam 2024

Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024

Ngày 3/1/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì Họp báo.
nhieu rui ro khi luot song vang

Nhiều rủi ro khi lướt sóng vàng

Trong những ngày vừa qua, giá vàng thế giới liên tục tăng và thiết lập kỷ lục mới, kéo giá vàng trong nước tăng cao, khiến cho đầu tư vào loại tài sản này trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, nhà đầu tư nên hết sức thận trọng khi “lướt sóng” vàng lúc này bởi có rất nhiều rủi ro, giá vàng sẽ sớm giảm và nhà đầu tư sẽ bị lỗ.
NHNN Quảng Trị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức năm 2024

NHNN Quảng Trị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức năm 2024

Ngày 25/3/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức năm 2024 nhằm đánh giá hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Cần Thơ: Hệ thống thanh toán gia tăng giá trị và độ tin cậy

Cần Thơ: Hệ thống thanh toán gia tăng giá trị và độ tin cậy

Hệ thống thanh toán gia tăng giá trị và độ tin cậy
Lan tỏa thanh toán không dùng tiền mặt ở Ninh Thuận

Lan tỏa thanh toán không dùng tiền mặt ở Ninh Thuận

Những năm gần đây, Ninh Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đảm bảo phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương...
Vinmec ra mắt VinCare PRIMÉ – mô hình quản lý sức khỏe cho giới thượng lưu đầu tiên tại Việt Nam

Vinmec ra mắt VinCare PRIMÉ – mô hình quản lý sức khỏe cho giới thượng lưu đầu tiên tại Việt Nam

Hà Nội, ngày 20/3/2024, Hệ thống Y tế Vinmec công bố ra mắt VinCare PRIMÉ với những đặc quyền chăm sóc y tế đẳng cấp thế giới. Đây là mô hình quản lý sức khỏe cá nhân “một điểm chạm” đầu tiên tại Việt Nam, tiên phong mở đường cho kỷ nguyên chăm sóc sức khỏe bền vững và bài bản.
VinFast ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng mua xe máy điện trong tháng 3

VinFast ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng mua xe máy điện trong tháng 3

Nhằm hưởng ứng chiến dịch “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam lần 2”, VinFast công bố triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho tất cả khách hàng mua xe máy điện trong tháng 3/2024, với gói quà tặng hấp dẫn trị giá từ 2 đến 5 tháng thuê pin miễn phí.
Vì sao người dùng ngày càng chuộng mua xe trả góp?

Vì sao người dùng ngày càng chuộng mua xe trả góp?

Mới đây, chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam” cùng chính sách mua xe trả góp “có 1-0-2” của VinFast đã khiến thị trường ô tô trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, chính sách đặc biệt của VinFast đang mang tới cơ hội lớn cho người dùng, đặc biệt khi xu hướng trả góp đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Vinfast giành cú đúp giải thưởng tại triển lãm ô tô quốc tế Indonesia 2024

Vinfast giành cú đúp giải thưởng tại triển lãm ô tô quốc tế Indonesia 2024

Jakarta, Indonesia - ngày 27/02/2024 - VinFast công bố đạt giải “Thương hiệu Đông Nam Á có màn ra mắt được yêu thích nhất” và “Gian trưng bày xe xuất sắc nhất” tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 vừa qua. Việc đạt được bộ đôi giải thưởng ngay trong lần đầu ra mắt Indonesia đã khẳng định uy tín và vị thế của VinFast khi tiến ra thị trường khu vực.
Vay mua căn hộ chung cư tại VIB: Lãi suất từ 5,9%, miễn trả gốc 5 năm, duyệt vay 8h

Vay mua căn hộ chung cư tại VIB: Lãi suất từ 5,9%, miễn trả gốc 5 năm, duyệt vay 8h

Ngày 28/3/2024, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ra mắt giải pháp vay mua căn hộ chung cư với combo ưu đãi hàng đầu thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vay thế chấp bằng căn hộ đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với đặc tính vay nhanh, trả dễ cùng 4 lựa chọn lãi suất hấp dẫn, giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp khách hàng cá nhân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn một cách an tâm lâu dài.
Nam A Bank được Moody’s nâng bậc xếp hạng, dự kiến tăng vốn mạnh mẽ

Nam A Bank được Moody’s nâng bậc xếp hạng, dự kiến tăng vốn mạnh mẽ

Nam A Bank (mã chứng khoán NAB - HoSE) vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nâng bậc đánh giá tín nhiệm nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng.
BAOVIET Bank nhận giải thưởng về mảng ngoại hối năm 2023

BAOVIET Bank nhận giải thưởng về mảng ngoại hối năm 2023

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) vinh dự nhận danh hiệu “Best Newcomer”cho mảng thị trường ngoại hối năm 2023 do Sở Giao dịch chứng khoán London trao tặng tại buổi lễ được tổ chức ngày 22/03/2024 tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Thêm tính năng Quỹ nhóm, App HDBank tiếp tục gia tăng lợi ích của hệ sinh thái số

Thêm tính năng Quỹ nhóm, App HDBank tiếp tục gia tăng lợi ích của hệ sinh thái số

Mới ra mắt trong một thời gian ngắn, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank đã thu hút nhiều khách hàng đăng ký với những tiện ích tối ưu.
Sacombank liên tiếp nhận giải thưởng quốc tế nhờ hoạt động thanh toán xuất sắc

Sacombank liên tiếp nhận giải thưởng quốc tế nhờ hoạt động thanh toán xuất sắc

Vừa qua, Sacombank vinh dự nhận 2 giải thưởng về hoạt động thanh toán do 2 ngân hàng quốc tế uy tín trao tặng. Đây là những giải thưởng ghi nhận chất lượng xuất sắc trong việc xử lý tự động các điện thanh toán quốc tế (chuyển tiền cho khách hàng) của Sacombank năm 2023.
MB hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh

MB hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh

Ngân hàng TMCP Quân đội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng cơ hội kinh doanh tích cực, tăng tính cạnh tranh để thúc đẩy hoạt động kinh doanh
TPBank ứng dụng nền tảng IBM trong phát triển dịch vụ dựa trên dữ liệu

TPBank ứng dụng nền tảng IBM trong phát triển dịch vụ dựa trên dữ liệu

Việc triển khai IBM Cloud Pak for Data giúp TPBank nâng cao hiệu suất, cũng như liên tục xây dựng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tiên tiến.
SHB ra mắt dịch vụ thanh toán phí cảng biển 24/7 cho khách hàng doanh nghiệp

SHB ra mắt dịch vụ thanh toán phí cảng biển 24/7 cho khách hàng doanh nghiệp

Từ nay, khách hàng doanh nghiệp của SHB có thể dễ dàng thanh toán phí cảng biển trực tuyến 24/7 thông qua kênh ngân hàng điện tử SHB Corportate Online mọi lúc mọi nơi, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và chi phí, đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt.
Phiên bản di động