Khổ vì kiểm tra chuyên ngành
Kiểm tra chuyên ngành tập trung: DN xuất nhập khẩu bớt khổ | |
Doanh nghiệp lao đao với thanh, kiểm tra |
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (TX Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, mỗi năm DN đang phải “cõng” thêm chi phí hàng tỷ đồng đối với việc lưu kho, kiểm tra chuyên ngành mặt hàng thép cán nóng nhập khẩu.
Không chỉ vậy, chính thời gian kiểm tra kéo dài, có khi mất hàng tháng để lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định khiến việc sản xuất bị ngưng trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến đơn hàng.
“Hiện nay, chỉ tính riêng phí cắt mẫu thép và một số chi phí không chính thức phục vụ cho việc làm thủ tục thông quan, trung bình DN đã tốn mất 20.000đ/tấn. Trong khi, mỗi năm lượng thép nhập khẩu của các DN trong ngành lên đến 600.000 tấn. Đó là chưa kể đến chi phí lưu kho, vận chuyển nội cảng đối với mỗi lô thép 20.000 tấn trong vòng 1 tháng cũng ngót nghét bạc tỷ. Như vậy, chi phí nọ chồng lên chi phí kia thử hỏi làm sao giá thành đến tay người tiêu dùng không cao, và năng lực cạnh tranh của DN lại không xuống thấp!” – ông Nghĩa phân tích.
Không riêng gì các DN ngành thép, nhiều DN trong lĩnh vực dệt may cũng lao đao vì các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chi phí tốn kém. Một số DN dệt may có trụ sở tại KCN Vĩnh Lộc B (TP. HCM) kể khổ, trong khi các quốc gia khác đang tăng cường quản lý rủi ro, hậu kiểm là chính thì các DN dệt may của Việt Nam đang phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc cho việc kiểm tra chuyên ngành.
Ngay cả đối với những lô hàng sản xuất gia công sau đó xuất đi nước ngoài, nhưng khi nhập nguyên liệu về vẫn phải lấy mẫu đem đi kiểm định. Có không ít DN rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi đối tác chuyển về cho khoảng chục mét vải để lên thử đồ thiết kế nhưng cũng bắt buộc cắt lấy mẫu giám định hàm lượng formaldehyt với chi phí 2 triệu đồng/mẫu vải.
Tốn tiền đã đành, nhưng khi đợi được hàng về thì không còn kịp thời gian lên mẫu gửi lại cho khách và đành ngậm ngùi nhìn đơn hàng rơi vào tay người khác.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chi phí kiểm tra chuyên ngành đang là một gánh nặng đối với ngành dệt may nói riêng và nhiều DN xuất nhập khẩu nói chung.
Điều đáng nói, hiện nay hải quan đã áp dụng kiểm tra hàng hóa theo hình thức “phân luồng” để giảm bớt thời gian và việckiểm tra trực tiếp xuống, nhưng chính quy định của nhiều bộ ngành khác đã khiến thủ tục thông quan không những không giảm bớt, mà ngày càng phức tạp, nhiêu khê hơn.
“Hiện, trong tổng thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu, thì mất đến 70% là để thông quan, thủ tục hải quan chỉ chiếm 30%. Đối với các DN được phân luồng xanh, luồng vàng, hải quan điện tử có khi chỉ mất vài phút thao tác trên máy nhưng đợi các kết quả kiểm tra chuyên ngành trước đó để thông quan có khi mất cả tháng trời” – ông Cẩm nói.
Trong nhiều cuộc hội nghị lấy ý kiến về kiểm tra chuyên ngành diễn ra gần đây tại TP. HCM, nhiều DN tỏ ra khá bức xúc về vấn đề này, nhưng khi được mời lên phát biểu lại không muốn nói bởi lý do rất đơn giản “nói nhiều, nói mãi mà vẫn chẳng thấy thay đổi được gì”.
Thậm chí, những DN này còn đưa thêm dẫn chứng, có những quy định tưởng đưa ra nhằm tháo gỡ cho DN, nhưng cuối cùng DN lại khổ hơn vì “đẻ” thêm giấy phép con. Đơn cử như trong tháng 6/2015 vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 12/2015/TT – BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép.
Một số DN nhập khẩu nguyên liệu thép để sản xuất phục vụ xuất khẩu nhưng là loại hình gia công xuất khẩu, nên không thuộc đối tượng điều chỉnh miễn kiểm tra tại thông tư này.
Vì hàng hóa không lưu hành trong nước mà chỉ xuất đi nước ngoài, nên nếu DN muốn được miễn phải đi chứng nhận giấy phép kinh doanh để làm cơ sở, và Ban Quản lý KCX, KCN nơi DN đặt cơ sở phải xác nhận, nhưng khi đem giấy này kèm theo điều kiện để được nhập khẩu tự động thì phía Hải quan lại không chấp nhận...
Trước những khó khăn này của DN, mới đây Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao năng lực hội nhập cho các DN sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước. Trong đó có đề cập đến vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 30% xuống còn 15%, giúp các DN Việt Nam nhanh chóng bứt phá, tăng cường nội lực để bắt kịp với các DN trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, chủ trương này có thực hiện được hay không, cần sự chung tay góp sức, quyết tâm thay đổi, “nói đi đôi với làm” từ các Bộ ngành có liên quan, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng gỡ được điểm này lại tắc ở điểm khác.