Kiểm toán Nhà nước: Thanh tra kiểm tra thuế bỏ sót nhiều sai phạm
Kiểm toán nội bộ doanh nghiệp niêm yết theo chuẩn mới | |
Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện về phát triển Kiểm toán nhà nước |
Vẫn còn nhiều sai phạm liên quan đến thuế |
90% kết quả kiểm tra thuế vẫn bỏ lọt sai sót
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Đoàn Xuân Tiên cho biết, tiền thuế thất thu còn lớn do tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn. Trong khi đó công tác thanh, kiểm tra thuế còn hạn chế, còn bỏ sót nhiều sai phạm của DN, của người nộp thuế.
Theo số liệu của KTNN, thì có tới hơn 90% số DN và người nộp thuế đã được kiểm tra, thanh tra thuế, nhưng KTNN vẫn phát hiện thêm nhiều sai phạm bị bỏ sót và đã kiến nghị tăng thêm số tiền thuế phải thu khá nhiều. KTNN cũng đã gửi hàng trăm kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế đối với các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể hơn, ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN đã dẫn ra số liệu về sai phạm mà ngành thuế bỏ sót. Đơn cử năm 2017, đối chiếu 2.497 người nộp thuế, KTNN phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị thu thêm 1.351 tỷ đồng. Năm 2018, qua đối chiếu thuế 3.171 DN ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN phát hiện có sai phạm ở 2.921 DN (chiếm 92,1% DN đối chiếu) và xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỷ đồng. Riêng ở TP.HCM, đối chiếu thuế 144 DN được thanh tra, kiểm tra thuế, KTNN xác định số tăng thu, giảm khấu trừ qua kiểm toán là 607 tỷ đồng, tức là bình quân 4,25 tỷ đồng/DN, cao hơn số cơ quan thuế truy thu.
Những sai phạm mà cơ quan thuế bỏ sót cũng được KTNN chỉ ra như áp dụng không đúng thuế suất, miễn giảm thuế TNDN sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng... chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế, hoàn thuế không đúng đối tượng, hoàn thuế cho cả những chứng từ không hợp lệ.
Cũng theo KTNN, chất lượng thanh tra kiểm tra thuế không cao. Trước hết, số DN được cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra rất ít so với số DN đang nộp thuế. Thứ hai, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của ngành thuế thì số thuế được cơ quan thuế xác định phải thu hầu hết vẫn như con số người nộp thuế kê khai.
Hàng loạt sai phạm bị bỏ sót nữa được KTNN chỉ ra là tình trạng nơi ưu đãi đầu tư quá rộng lại tràn lan dàn trải không đúng quy định. Những ưu đãi không đúng quy định này không chỉ làm số thu NSNN mà còn gây thiệt hại cho NSNN vì không ít DN làm ăn không chính đáng đã lợi dụng chính sách ưu đãi, thành lập hàng loạt công ty con tại địa bàn được ưu đãi và dùng các thủ đoạn chuyển giá tới các công ty con này để trốn thuế.
Chỉ ra những thiệt hại cho NSNN từ việc ưu đãi thuế tràn lan, ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII dẫn ra số liệu hàng năm tổng số tiền mà NSNN đã ưu đãi cho các DN tương đương khoảng 5,5- 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%.
Quy định về thuế còn nhiều khoảng trống
Nguyên nhân sai phạm bị bỏ sót, theo PGS-TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) trước hết là do còn nhiều khoảng trống. Khoảng trống thứ nhất là do quy định thuế hiện chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Thứ hai là quy định về phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng tạo nên khoảng trống nhất định. Và còn do hệ thống bộ tiêu chí rủi ro chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống dữ liệu không xác định được ngành nghề kinh doanh chính của DN dẫn đến việc phân tích, đánh giá, so sánh kết quả hoạt động kinh doanh giữa các DN cùng ngành nghề gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, thực tiễn hoạt động kiểm toán đã khẳng định vai trò và sự cần thiết của KTNN trong công tác quản lý thuế nói riêng và vì sự minh bạch của nền tài chính nói chung. Kiểm toán thuế không chỉ là phát hiện sai phạm để tăng thu, kiểm toán còn chỉ ra thuế thu được rồi nhưng điều tiết và phân bổ thế nào, sử dụng ra sao. Quan trọng hơn là qua kiểm toán đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của người nộp thuế, của người quản lý thuế và đánh giá tác động của chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế - xã hội.
Nhấn mạnh thêm vai trò của KTNN, PGS-TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phát biểu: “Hơn lúc nào hết, KTNN phải thể hiện quyền lực của nhân dân bằng kiểm tra kiểm soát tài chính nhà nước. Kiểm toán thuế không chỉ là trách nhiệm của KTNN theo hiến định mà còn là trách nhiệm trước nhân dân về một nhà nước công bằng, một nền tài chính công khai minh bạch”.
Nhưng từ những kết quả kiểm toán thuế, tự phía KTNN vẫn thấy chưa hài lòng với chất lượng kiểm toán. KTNN nhận thấy kiểm toán công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, bất cập. Kiểm toán mới tập trung chủ yếu vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế, chưa chú trọng việc đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế của cơ quan quản lý thu. Phạm vi kiểm toán thuế còn hạn chế vì chủ yếu là kiểm toán báo cáo tài chính tại các DN nhà nước và kiểm tra hồ sơ kê khai, quyết toán thuế của đối tượng nộp thuế tại đơn vị quản lý thu. Việc kiểm toán nghĩa vụ thuế tại các DN, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác được thực hiện thông qua hình thức đối chiếu nhưng do các vấn đề về cơ sở pháp lý, quy trình đối chiếu, công tác phối hợp nên quá trình kiểm toán còn có nhiều khó khăn.
Để làm tốt nhiệm vụ, góp phần chống thất thu NSNN, KTNN đề nghị hoàn thiện Luật KTNN theo hướng cụ thể hóa, đầy đủ, toàn diện trong việc quy định rõ đối tượng kiểm toán, vai trò, nhiệm vụ của KTNN trong hoạt động kiểm toán thuế và cung cấp đủ chức năng, quyền hạn để KTNN có cơ sở chủ động phát huy vai trò trong công tác kiểm toán nghĩa vụ thuế.
Trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 gửi Quốc hội, KTNN cho biết: Tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra không phù hợp với quy định... Nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ của năm 2016 và bằng 8,5% số thực thu NSNN năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong 49 cục thuế được kiểm toán, có tới 31 cục thuế tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 4.130 tỷ đồng. |