Kiên quyết xử lý các DNNN, dự án thua lỗ
Cần có luật về cổ phần hóa? | |
Tồn tại, hạn chế ở “đầu tàu dẫn dắt” |
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những điểm nhấn của Nghị quyết là việc sẽ xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Với quan điểm của mình, theo ông đâu là yếu tố mới, mang tính đột phá trong Nghị quyết này?
Chủ trương rất đúng của Quốc hội là kiên quyết không dùng kinh phí từ NSNN để giải quyết các DN thua lỗ, vì đó là một giải pháp đã được chúng ta triển khai từ nhiều năm nay và không mang lại hiệu quả.
Nhưng quá trình giải quyết này cũng phải thực hiện theo phương châm tái cấu trúc DN. Điều này không có nghĩa là các DN thua lỗ phải bán ngay lập tức, mà phải tìm các phương án theo hướng xem xét, đánh giá một cách tổng thể xem cái gì chúng ta có thể giữ lại, cái gì chúng ta thoái vốn. Có thể trong từng DN có phần phải bán đi, có phần phải giữ lại… nhưng như vậy chúng ta mới tạo ra được các nguồn lực để tái đầu tư và để cứu các DN thua lỗ làm ăn có hiệu quả, rồi sau đó thực hiện lộ trình chuyển đổi thành DN cổ phần.
Đặc biệt, vấn đề về đất đai trong CPH thời gian qua cũng đang là vấn đề nổi cộm và gây bức xúc cho rất nhiều cử tri. Những vụ án hoặc sai phạm thời gian qua đều xuất phát từ quản lý đất công trong quá trình CPH. Nên không chỉ trong Nghị quyết này đề ra việc phải siết chặt các biện pháp để giải quyết vấn đề đất công trong quá trình CPH, mà Quốc hội còn đặt ra cả một nghị quyết giám sát chuyên đề về quản lý sử dụng đất các khu đô thị, trong đó có vấn đề liên quan đến sử dụng đất của các DNNN trong quá trình CPH.
Tiến trình CPH DNNN vẫn rất chậm |
Vậy hiệu quả của CPH và quản lý tài sản Nhà nước thời gian qua ra sao?
CPH DNNN trong thời gian qua nhìn chung đã có tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Điển hình chúng ta đã CPH được các DN với giá bán cổ phần rất cao như: SABECO hay Vinamilk... Nhưng nhìn lại một cách tổng thể, quá trình CPH DNNN của chúng ta vẫn rất chậm, chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Nên tôi cho rằng, Nghị quyết lần này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ CPH, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, DN khi không thực hiện đúng lộ trình CPH.
Tuy nhiên, việc phải thực hiện lộ trình CPH không có nghĩa là chúng ta cứ bán tất cả các DN nào thua lỗ hoặc yếu kém. Vai trò của nhà nước là phải giữ lại những DN thực sự có vai trò quan trọng, lĩnh vực có ưu thế, đang phát triển tốt nhưng do đầu tư không đúng kỹ thuật, không đúng định hướng, thậm chí quản lý yếu kém để chấn chỉnh, phục hồi. Sau đó thực hiện lộ trình CPH để giúp các NĐT khi tiếp nhận sẽ có được DN tương đối tốt; đồng thời không tạo ra tình trạng phải bán tống, bán tháo DN đang thua lỗ hay trong tình trạng phá sản, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Nhìn lại quá trình CPH, theo ông đâu là điểm hạn chế nhất? Và liệu có cần một dự luật về CPH để tạo cơ chế tốt hơn trong quá trình này?
Tôi cho rằng, điểm yếu nhất trong quá trình CPH DNNN thời gian qua liên quan đến vấn đề định giá, giá trị và tài sản của các DN. Chúng ta còn bối rối trong việc định giá như thế nào cho thỏa đáng để có thể đưa ra một mức giá cổ phần chào bán hợp lý nhất, không vi phạm luật pháp, không thất thoát tài sản nhà nước nhưng vẫn đủ hấp dẫn để kêu gọi các NĐT, đặc biệt là NĐT chiến lược tham gia vào phát triển DN.
Vì vậy, nếu chúng ta có luật về CPH hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều so với hiện nay phải thực hiện CPH thông qua nhiều luật và quy định khác nhau. Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta chưa có luật thì các quy định hiện nay cũng đã tương đối đầy đủ để điều tiết các hoạt động CPH đảm bảo đúng pháp luật.
Do vậy, vấn đề hoàn thiện pháp luật ở đây có thể lựa chọn hai con đường: Hoặc là có luật riêng, hoặc là điều chỉnh những bất cập trong các quy định hiện hành. Tuy nhiên trong các con đường này, theo tôi, việc điều chỉnh các bất cập hiện hành sẽ nhanh đạt mục tiêu CPH hơn là bắt đầu xây dựng bộ luật vì phải chờ thời gian hoàn thiện và nó sẽ làm chậm lại quá trình CPH.
Ông có nói không cần phải bán tống bán tháo DNNN thua lỗ, nhưng chúng ta có cần đặt ra mốc thời gian để làm các việc đó không?
Chúng ta phải có lộ trình để triển khai việc này, nhưng lộ trình này không phải lộ trình cho tất cả DNNN mà phải tùy theo từng DN. Tôi được biết trong đề án về CPH mới nhất, Chính phủ đã chỉ đạo mỗi DN phải có một lộ trình, mỗi ngành phải có lộ trình và trong lộ trình đó chỉ ra mỗi DN sẽ phải thực hiện CPH ra sao và trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện lộ trình đó như thế nào.
Với định hướng như vậy tôi cho rằng, có thể sẽ có DN phục hồi rất nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối ổn định và với DN đó chúng ta có thể CPH ngay. Nhưng cũng có DN sẽ cần nhiều thời gian hơn mới có thể đạt được mục đích đó, nên lộ trình này là cần thiết nhưng cần phải tùy theo từng DN.
Có ý kiến cho rằng, để nhanh chóng vực dậy được DN này, nhà nước cần áp dụng cơ chế thị trường đối với lương của người quản trị, tránh cào bằng như hiện nay. Quan điểm của ông thì sao?
Tôi nghĩ rằng điều ấy là tất yếu phải áp dụng. Tất nhiên cơ chế của chúng ta hiện nay chưa làm được việc đó. Trước đây tôi đã nêu thực trạng rằng, với cơ chế hiện nay, khi DN làm ăn có lãi thì DN được quyền nâng mức lương của người lao động lên theo kết quả kinh doanh. Nhưng khi DN làm ăn thua lỗ thì không được nâng lương nhưng cũng không bị cắt lương xuống. Đây là điều bất hợp lý, khiến cho trách nhiệm, nhất là về mặt chế độ hưởng thụ của người quản lý không tương ứng với kết quả kinh doanh.
Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta đang kêu gọi các DNNN bình đẳng như các DN khác thì không có lý do gì những người quản trị, điều hành DN làm ăn có hiệu quả lại không đương nhiên được hưởng thành quả đó. Còn DN nào có kết quả kinh doanh không cao thì đương nhiên người quản trị DN không những không được hưởng thụ mà còn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Xin cảm ơn ông!