Kiều hối đã hanh thông
Kiều hối vẫn có điểm sáng | |
Vĩ mô ổn định, sức hút kiều hối trở lại | |
Nguồn vốn vàng của thành phố |
4,55 tỷ USD là số lượng kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh tính đến hết tháng 11 - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết. Lượng kiều hối về Việt Nam hứa hẹn sẽ còn tăng nữa trong hai tháng tới, khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau hơn 1 tháng.
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2016 đầu năm 2017, nhiều dự báo nhận định kiều hối năm 2017 sẽ chịu áp lực khá lớn trước các yếu tố như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD, chủ trương nâng giá trị USD và không tham gia TPP của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump… Song cho tới thời điểm này, khi sắp kết thúc năm 2017, có thể thấy sức hút của dòng kiều hối không bị quá ảnh hưởng.
Xét trên thực tế, lượng kiều hối đều tăng và khá ổn định ngay từ đầu năm. Ba tháng đầu năm ghi nhận khoảng 1 tỷ USD kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng hút về 2,1 tỷ USD, thời điểm 9 tháng là hơn 3,3 tỷ USD và sau 10 tháng cán mốc 3,9 tỷ USD. Theo dự báo của lãnh đạo NHNN TP. Hồ Chí Minh, nếu không có biến động lớn thì kiều hối về thành phố năm nay sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái.
Những cải cách chính sách của Chính phủ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ khuyến khích kiều hối đổ về Việt Nam |
Một trong những yếu tố giúp kiều hối giữ đà tăng theo chuyên gia là sự kiên định của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt với chính sách tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016. “Với chính sách tỷ giá trung tâm của NHNN, giá trị đồng Việt Nam ngày càng ổn định, kiều bào họ nhìn thấy sự ổn định của nền kinh tế, của giá trị đồng tiền nên họ sẵn sàng gửi tiền về hơn. Bởi khi tiền gửi về, đổi ra VND để đầu tư, mà VND vững giá thì chắc chắn sẽ hấp dẫn họ”, một chuyên gia nhận định.
Thông tin từ phía NHNN cũng cho biết, từ đầu năm tới nay kiều hối đổ về TP. Hồ Chí Minh có 72% được chi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, 22% chảy vào bất động sản và 6% cho tiêu dùng cá nhân. Những năm gần đây, lượng kiều hối cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có sự tăng trưởng. Nhưng bất động sản vẫn là một trong những “chỗ trũng” đầu tư luôn hấp dẫn. Thêm nữa, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Hiện tại, số lượng kiều bào mua nhà còn khá khiêm tốn, song khi thị trường bất động sản tiếp tục phát triển thì sẽ hấp thụ nguồn kiều hối đổ vào lĩnh vực này trong năm 2018.
Một chuyên gia bất động sản cho biết, thông thường kiều bào họ nhắm vào phân khúc bất động sản cao cấp ở những thành phố lớn, không phải bất động sản nghỉ dưỡng. “Đây là phân khúc thị trường vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi họ kỳ vọng khi họ mua những bất động sản cao cấp trong thành phố, sử dụng hoặc cho thuê thì giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Mặt khác, một số khoản đầu tư của kiều bào nhắm vào khu vực khu công nghiệp, vì họ nhìn thấy ở đó có sự phát triển, đóng góp không chỉ cho riêng lĩnh vực bất động sản mà gián tiếp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, vị này cho hay.
Nhiều chuyên gia đều đồng quan điểm, lượng kiều hối hiện nay về Việt Nam không còn chỉ để gửi tiết kiệm mà chủ yếu chuyển hướng sang đầu tư như: chứng khoán, bất động sản, mua cổ phần, cổ phiếu hoặc tạo lập DN mới... Vì như thời gian trước, trước khi đầu tư kiều bào có thể gửi USD tại ngân hàng để hưởng lãi suất, nhưng bây giờ thì lãi suất tiết kiệm USD là 0% thì gần như họ không gửi nữa. Nhiều người chuyển tiền về dưới hình thức đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đứng tên là người Việt Nam. Với những cách như vậy, luồng kiều hối trong tháng cuối năm và trong năm sau dự báo sẽ tăng cao hơn.
Tuy vậy, tham vấn ý kiến của một chuyên gia kinh tế, ông này cho rằng kiều hối sẽ vẫn tăng, nhưng ở mức cao thì chưa chắc chắn, có thể rơi vào khoảng 9 - 10 tỷ USD. “Tại thời điểm này theo tôi đó là mức chấp nhận được, bởi hiện tại có khá nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới. Fed cũng vừa đưa ra thông báo tăng lãi suất USD, điều này sẽ khiến tất cả những lãi suất liên quan đến tiền gửi và đầu tư đều tăng lên. Đây có thể là một điểm giữ chân dòng kiều hối tại Mỹ, làm chậm dòng tiền đổ về Việt Nam khi chúng ta vẫn duy trì chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD”, vị chuyên gia này cho biết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, “kiều hối năm nay giữ được ở mức như năm 2016 đã là tốt rồi. Bước sang năm 2018, tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn, cũng như sự phát triển kinh tế Việt Nam với những chính sách mới của Chính phủ trong hội nhập sâu rộng thì kiều hối cũng như các nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tôi tin rằng sẽ ngày càng mạnh mẽ. Cái nhìn của nước ngoài về Việt Nam thường có những điểm chung. Nếu lượng FDI tiếp tục tăng trong năm 2018 thì chắc chắn sẽ khuyến khích kiều hối về Việt Nam nhiều hơn”.