Kinh tế chia sẻ: Đừng 'không quản được thì cấm'
Kinh tế chia sẻ được hiểu là việc chia sẻ những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ, từ đó chia sẻ lợi nhuận giữa các bên liên quan. Mô hình này phát triển khá mạnh trên thế giới do đem lại nhiều lợi ích cho cả nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên.
Tại Việt Nam, tháng 8 vừa qua, tại Quyết định số 999/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Mục tiêu của Đề án là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng bên cạnh những lợi ích mang lại, hệ thống kinh tế mới này có thể phát sinh những rủi ro lớn. Trước hết, nó làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, đó là quan hệ 3 bên trong hợp đồng kinh tế thay vì 2 bên như kinh tế truyền thống.
Kinh tế chia sẻ cũng tiềm ẩn những rủi ro trong đảm bảo lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ; tạo ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh doanh truyền thống. Đồng thời, nó đặt ra vấn đề về thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động, dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp mô hình kinh tế này trong tài khoản kinh tế quốc gia…
Tuy nhiên, rủi ro không có nghĩa là phải cấm hoạt động kinh tế này, khi mô hình kinh tế chia sẻ đang có nhiều tiềm năng phát triển trong hai lĩnh vực lớn là ngân hàng và giao thông vận tải.
Đối với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P), TS. Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) đề xuất: Cần phải bổ sung P2P vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện: có cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng với các công ty P2P; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; đưa ra các giới hạn để quản lý rủi ro, ví dụ như hạn mức tín dụng, loại hình cho vay… Ông Hòe cũng đề xuất cần làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và người vay trong việc tìm hiểu rõ hoạt động của công ty P2P, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay. Không nên cho phép gửi vốn vào các công ty P2P dưới dạng gọi vốn cộng đồng, vì đây là hành vi trái luật. Việc làm rõ các quy tắc vận hành cũng như trách nhiệm của các bên liên quan là tiền đề vô cùng quan trọng để phát huy tính hiệu quả của loại hình kinh doanh còn nhiều mới này. |
Trong lĩnh vực vận tải, “các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế nền tảng”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật nhận xét.
Trong khi đó, các ứng dụng ngoại như Uber, Grab, hay nội địa như Fastgo, Be, MyGo hay VATO cũng là các điển hình của mô hình kinh tế chia sẻ, đang phát triển nhanh chóng. “Người ta có thể chọn một hay một số công đoạn của dịch vụ vận tải để đầu tư một cách chuyên nghiệp và đó là quyền tự do kinh doanh của họ”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật nói.
Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ nên tiếp cận theo hướng cởi bỏ các điều kiện kinh doanh thay vì áp dụng các điều kiện kinh doanh gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo.
“Trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch”, ông gợi ý.
Đồng quan điểm, Phó viện trưởng phụ trách CIEM, PGS-TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng: “Thay vì tư tưởng không quản được thì cấm, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong. Chúng ta nên dỡ bỏ các rào cản pháp lý không còn phù hợp”.