Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý 1, thấp nhất trong 3 năm
Tiêu dùng, vốn chiếm hơn hai phần 3 kinh tế Mỹ, đã chậm lại trong quý đầu năm |
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố số liệu ước tính đầu tiên cho biết, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ chỉ tăng 0,7% trong quý đầu năm so với cùng khi năm trước do chính phủ cắt giảm chi tiêu quốc phòng và các doanh nghiệp chi tiêu ít hơn đối với hàng tồn kho. Đó là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 1 năm 2014.
Theo đó, các doanh nghiệp tích lũy hàng tồn kho với giá trị khoảng 10,3 tỷ USD trong quý vừa qua, giảm mạnh so với mức 49,6 tỷ USD của quý 4/2016. Hàng tồn kho đã làm giảm 0,93 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, chi tiêu quốc phòng của chính phủ giảm với tốc độ 4,0%, mức giảm lớn nhất kể từ quý 4/2014 và quý thứ hai giảm.
Trong khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm hơn hai phần ba kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức 0,3% trong quý 1 từ mức 3,5% của quý 4/2016 và là mức tăng thấp nhất kể từ quý 4/2009.
Nguyên nhân một phần do thời tiết ấm lên khiến nhu cầu về sưởi ấm và các sản phẩm tiện ích khác giảm. Bên cạnh đó, lạm phát cao hơn, với chỉ số giá tiêu dùng trung bình là 2,4% - mức cao nhất kể từ quý 2/2011 - cũng là một yếu tố cản trở. Ngoài ra chi tiêu cũng bị ảnh hưởng bởi chính phủ trì hoãn việc hoàn thuế thu nhập để chống gian lận.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong quý 1 năm nay không phải là hình ảnh chính xác về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ. Tăng trưởng tiền lương trong quý đầu tiên là nhanh nhất trong 10 năm khi thị trường lao động đã gần đạt tới trạng thái đầy đủ việc làm và đầu tư kinh doanh mạnh nhất kể từ quý 3/2015.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng được công bố vào cuối tuần cho biết, mức lương của khu vực tư nhân đã tăng 0,9% trong quý 1, mức tăng lớn nhất trong 10 năm, sau khi tăng 0,5% trong quý 4/2016.
Trong khi đầu tư kinh doanh tăng 9,1% trong quý đầu tiên nhờ giá dầu tăng cao thúc đẩy các hoạt động thăm dò khai thác mỏ, giếng khoan... Một yếu tố khác cũng cho thấy sức mạnh cơ bản của kinh tế Mỹ đó là niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh vẫn đang sát gần mức cao nhất trong nhiều năm.
Với việc tăng trưởng tiền lương, đầu tư kinh doanh và lạm phát vẫn đang chuyển động tích cực, các nhà kinh tế tin rằng các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bỏ qua số liệu tăng trưởng GDP yếu trong quý đầu năm khi họ nhóm họp vào tuần tới.
Fed đã tăng lãi suất qua đêm thêm 1/4 điểm phần trăm vào tháng 3 và dự báo tăng thêm hai lần trong năm nay. Tuy nhiên gới chuyên môn không kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào thứ Tư tới.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng yếu ớt của quý đầu năm vẫn là một thông tin không mấy tích cực đối với tham vọng của chính quyền Trump trong việc tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng.
"Nó đánh dấu một sự khởi đầu khó khăn cho các nhà quản lý hy vọng đạt được tốc độ tăng trưởng 3% hoặc tốt hơn, đây không phải là loại tin tức mà họ muốn tìm kiếm trong 100 ngày đầu tiên (trên cương vị Tổng thống của ông Trump)", Sal Guatieri - chuyên gia kinh tế cao cấp tại BMO Capital Market ở Toronto nói.
Tổng thống Donald Trump đã cam kết nâng tốc độ tăng trưởng hàng năm lên 4% thông qua việc tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế và bãi bỏ một số quy định. Hôm thứ Tư, Nhà Trắng đã công bố một kế hoạch cải cách thuế đầy tham vọng với mục tiêu giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15% từ 35%, nhưng không đưa ra chi tiết cũng như các giải pháp để bù đắp việc giảm thu từ giảm thuế. Điều đó đã khiến thị trường không khỏi nghi ngại về tính khả thi khi nó có thể đẩy thâm hụt ngân sách tại Mỹ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế hoài nghi rằng các gói kích thích tài chính sẽ kích hoạt nền kinh tế do năng suất lao động và thiếu hụt lao động ở một số khu vực. Họ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức trên 2% trong năm nay.