Kinh tế phục hồi nhưng chậm
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong 6 tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm 2016 tại phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (11/7), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kinh tế 6 tháng qua rất khó khăn, dù vĩ mô ổn định nhưng lạm phát năm nay có khả năng vượt mục tiêu đề ra, còn mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay chắc không đạt được.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
GDP 6 tháng cuối năm khó khả thi
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng trưởng này, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Đề cập đến chỉ số giá tiêu dùng, ông Giàu cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức hợp lý nhưng sẽ có nhiều áp lực dồn lên CPI trong 6 tháng cuối năm nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão, do đó, đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp kiểm soát đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trong khi đó, nhìn vào các trụ cột cho tăng trưởng cũng còn nhiều nỗi lo khi sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng 6,82%, thấp hơn mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,9%, thấp hơn mức tăng 9,3% cùng kỳ năm trước và thấp hơn chỉ tiêu tăng 10% theo Nghị quyết của Quốc hội. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm giảm 0,08% so 6 tháng cùng kỳ các năm trước.
Nhìn sang tổng thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%), trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2015. Vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ ước đạt khoảng 33,2% kế hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì cho rằng, dù có khó khăn song đề nghị Thường vụ Quốc hội kiên quyết chưa điều chỉnh các chỉ tiêu dù có thể chưa đạt trong 6 tháng đầu năm.
Formosa – bài học đắt giá
Tại phiên họp, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về một số vấn đề, một trong những vấn đề nổi bật trong đời sống kinh tế - xã hội mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đặc biệt là hành vi gây ô nhiêm môi trường tại dự án Formosa Hà Tĩnh. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có ý kiến về sự việc liên quan đến dự án này để báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp tới.
Cũng liên quan đến vấn đề này, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua kiểm tra thì có 6 nhà thầu nước ngoài liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, chuyển giao quản lý, hầu hết nhà thầu là Trung Quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện ra 53 hành vi vi phạm về thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong 53 hành vi vi phạm có hành vi đặc biệt quan trọng, đó là hành vi tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ cốc khô - công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt, là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải.
Báo cáo thêm về việc sử dụng lao động Trung Quốc tại Formosa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, về việc quản lý lao động nước ngoài ở Formosa, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để kiểm tra việc cấp giấy phép. Hiện 70% lao động làm việc tại đây được cấp giấy phép. Tuy nhiên, con số biến động theo từng giai đoạn.
Trước thực trạng này, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đề nghị riêng với dự án Formosa, Chính phủ cần xem lại trách nhiệm quản lý. “Xem lỗi chủ quan thế nào, cần phải làm rõ để sau này mới có uy tín với cử tri và nhân dân, còn việc khắc phục hậu quả là chắc chắn”, ông Chiến nói.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng đề nghị Chính phủ cần phải tính lại với những dự án tương tự như Formosa thì cần được phê duyệt ở cấp nào, có cần phải là công trình trọng điểm quốc gia hay không.
“Chúng ta thấy rằng, tập đoàn Trung Quốc điều hành là chính, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan để khắc phục, tới đây có cần điều chỉnh quy mô dự án không, không thể nói chung chung là khắc phục môi trường, mà làm rõ yếu kém của chúng ta để khắc phục triệt để” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị.