Kinh tế tư nhân đã thấy ấm lòng
Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 |
Với chủ đề “VBF – 20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020”, VBF 2017 đã chính thức khai mạc sáng nay (12/12/2017) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
VBF 2017 là sự kiện dấu mốc lịch sử, kỷ niệm 20 năm ra đời của VBF Việt Nam. Năm 2017 này là năm kỷ niệm 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thời điểm Việt Nam bắt đầu có Luật Đầu tư nước ngoài. Hành trình 20 năm thể hiện rõ sự đồng hành, sự chung tay của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN nói chung và các DN FDI nói riêng.
Tự hào trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có VBF - cơ chế đối thoại thường niên giữa cộng đồng DN với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, ông Lộc nói rằng, VBF Việt Nam là một diễn đàn rất chuyên nghiệp đạt chuẩn quốc tế và hiệu quả.
Tại VBF, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ khuyến nghị mà còn đưa ra những đề xuất rất cụ thể góp phần cùng các cơ quan Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp và hiệu quả.
20 năm qua đã có nhiều kiến nghị của DN được giải quyết, rất nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được chính các nhà đầu tư đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Thành quả to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua chắc chắn có đóng góp quan trọng từ VBF này.
“Chưa bao giờ vai trò của DN được nhấn mạnh và đề cao như hiện nay và lần đầu tiên kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng”, ông Lộc nói. Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân. Luật hỗ trợ DNNVV đã được ban hành.
Nhiều Nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia như loạt Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 35 được Chính phủ ban hành. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ban hành những chỉ thị cụ thể như chỉ thị 20 về giảm công tác thanh tra, kiểm tra DN vào tháng 5 năm 2017…
“Với hàng loạt chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tạo một đường hướng thúc đẩy phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia rõ ràng hơn bao giờ hết. Các tỉnh, thành phố đều đặt ra và cam kết thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy thành lập DN mới”, ông Lộc cho biết.
Và đã có những kết quả bước đầu quan trọng. Số lượng DN thành lập mới trong hai năm 2016 và 2017 đều đạt mức trên 110.000 DN mỗi năm. Thứ hạng của Việt Nam trong các thước đo thế giới như Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đều tăng, Doing Business 2018 của Việt Nam tăng đến 14 bậc, rất mạnh mẽ.
Tại Diễn đàn năm trước, ông Lộc đã từng phát biểu rằng “kinh tế tư nhân đang cảm thấy cô đơn” nhưng trước Diễn đàn 2017 này, ông Lộc nói “kinh tế tư nhân đã thấy ấm lòng, DN có niềm tin mạnh hơn vào tương lai phát triền của mình”.
Quá trình cải cách này đang chuyển động mạnh mẽ tại cấp bộ, ngành cũng như địa phương. Các bộ ngành đang chủ động tiến hành cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Bộ Công thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình thời gian qua là một điển hình.
Ở cấp địa phương là phong trào đối thoại giữa chính quyền và DN nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho người kinh doanh, chưa bao giờ sôi động và thực chất như hiện nay. Các địa phương đều hoàn thành và vượt mục tiêu 2 cuộc đối thoại DN hàng năm theo yêu cầu tại Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Với những tuyên bố và hành động cải cách của Chính phủ và những kết quả đạt được bước đầu, cộng đồng DN lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.
Xu hướng cải cách, thuận lợi hoá môi trường kinh doanh đang là xu hướng chủ đạo ở mọi cấp chính quyền. VBF Việt Nam mong sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình phát triển sắp tới.
“Với nhà đầu tư thì có 4 vấn đề quan trọng đó là chính trị - xã hội ổn định, quy mô thị trường lớn, đất nước có trẻ hay không chi phí lao động thế nào và có vị trí địa kinh tế thuận lợi”, ông Tetsu Funayama, đồng Chủ tịch luân phiên của Diễn đàn cho biết.
Và ông Tetsu Funayamacho biết Việt Nam là một trong 4 nước hấp dẫn nhà đầu tư nhất APEC vì có cả 4 yếu tố: chính trị xã hội ổn định, quy mô thị trường lớn với 95 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, dân số trẻ, lực lượng lao đồng dồi dào và vị trí địa kinh tế rất đẹp.
Khảo sát cho thấy có tới 64% số DN Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 40% và ở các nước ASEAN chỉ là 50%.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, cộng đồng DN vẫn còn thấy nhiều khó khăn và thách thức. Là đất nước có sức hấp dẫn nhất nhưng “chưa được xếp hạng cao về chất lượng thể chế”, thủ tục hành chính vẫn phức tạp và phiền hà, chi phí kinh doanh cao. Nhiều bộ ngành, nhiều cấp vẫn còn chần chừ trước cải cách.
Các vị đồng Chủ tịch của VBF 2017 2017 nhấn mạnh rằng “Cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân là dư địa lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".