PCI và những việc phải làm
Hà Nội phấn đấu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI | |
PCI – Nhịp trống thúc giục cải cách | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Cuộc đua không ngừng nghỉ |
Từ những chuyện nhỏ
Theo số liệu và kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ngãi năm 2015 tăng 5 bậc so với năm 2014, đứng thứ 15/63 (với 59,07 điểm) và xếp loại khá trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, nếu so sánh kết quả trong 3 năm gần nhất, thì có thể thấy sự không ổn định của địa phương này khi năm 2013 Quảng Ngãi xếp vị trí thứ 7 (trong nhóm rất tốt) thì năm 2014 lại tụt xuống vị trí 20.
Chế biến, xuất khẩu dăm gỗ là thế mạnh của Quảng Ngãi |
Mới đây, “cái tên” Quảng Ngãi xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khi ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư và xây dựng Thiên Tân, ký văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi và UBND tỉnh Quảng Ngãi xin chấm dứt các dự án đã có chủ trương cho phép đầu tư tại Quảng Ngãi.
Và tất nhiên, đi liền “cái tên” gắn với sự việc nêu trên là “cái tiếng”, bởi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ai cũng biết Thiên Tân là một “ông lớn” và nếu không bị “dồn” vào đường cùng thì họ có lẽ không dại gì lên tiếng để bị ảnh hưởng đến công việc làm ăn sau này của mình.
Theo đại diện CTCP đầu tư và xây dựng Thiên Tân, lý do xin chấm dứt các dự án trên vì công ty không nhận được sự phối hợp trong việc hoàn thành các thủ tục mà còn bị gây khó khăn, cản trở từ sở, ngành chuyên môn tham mưu và một số ít cán bộ của UBND tỉnh.
“Soi” vào kết quả khảo sát của PCI trong năm 2015 cũng phần nào cho thấy thực trạng này khi nhiều chỉ số thành phần của tỉnh Quảng Ngãi dưới mức trung bình như chi phí không chính thức: 4,84; Tính năng động: 3.97; Cạnh tranh bình đẳng: 4.49.
Đặc biệt là chi phí không chính thức liên tục giảm qua 4 năm gần đây chứng tỏ khi DN phải tốn chi phí này (cả về tiền bạc, thời gian), bởi sự thiếu minh bạch và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ giải quyết thủ tục hành chính chưa cao tạo ra những “rào cản” khác khiến nhà đầu tư nản lòng...
Năm ngoái, trong lần trò chuyện, giám đốc một DN tại Quảng Ngãi kể lại “bài học” đầu tư của mình. Theo ông, trước tình cảnh DN gặp nhiều khó khăn, tình trạng phá rừng trồng keo nguyên liệu ngày càng nhiều, Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng hạn chế cấp phép xây mới nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.
Tin vào chính sách của tỉnh, ông dồn tiền đầu tư, hiện đại hóa nhà máy nhưng liền sau đó, tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp cấp phép thêm cho 4 dự án nhà máy viên nén, nâng tổng số các nhà máy sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên đến khoảng 30 nhà máy khiến DN rơi vào tình cảnh khó khăn, thậm chí đang đứng bên vực phá sản do thiếu nguyên liệu sản xuất, tranh mua tranh bán, bị đối tác ép giá…
“Nhiều lúc, tôi ngao ngán đến nỗi muốn bán tất cả tài sản để đi nơi khác làm ăn. Tôi nghĩ, để cải thiện PCI, Quảng Ngãi cần minh bạch và nhất quán trong các chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Bởi, nếu chính sách cứ thay đổi liên tục theo hướng có lợi cho “nhóm thân hữu” thì còn ai dám đến Quảng Ngãi làm ăn nữa”, ông nói.
Từ hai câu chuyện trên cho thấy, để có thể cải thiện PCI, tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi còn rất nhiều việc phải làm.
Liệu có cải thiện?
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, và cũng là năm mà Quảng Ngãi chọn là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư”. Chính vì vậy, Quảng Ngãi đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, để đưa Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy của các DN và nhà đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Ngãi năm 2016 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý để tạo môi trường đầu tư tốt, thời gian tới Quảng Ngãi cần đồng hành cùng với DN, luôn lắng nghe khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của DN. Thường xuyên tạo cơ chế trao đổi, đối thoại, thu thập thông tin và phản hồi kịp thời đến DN. Xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, tạo cầu nối cho DN bắt tay nhau làm ăn hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng cam kết, địa phương luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của Quảng Ngãi; luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tham gia định hướng, tạo điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi.
“Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động… nhất quán trong chính sách đầu tư; xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, xây dựng tỉnh Quảng Ngãi từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và DN đang hoạt động tại Quảng Ngãi, việc ban hành một kế hoạch, một chương trình hành động thì dễ, nhưng việc thực hiện chương trình đó mới là quan trọng nhất. Bởi mọi cải cách hành chính, mọi chương trình hành động phải chuyển biến thành thực tế để DN cảm nhận được. Chẳng hạn như tháo gỡ khó khăn cho DN thì những khó khăn của họ được giải quyết đến đâu, cải cách thủ tục hành chính thì những DN tiếp xúc với bộ mày công quyền thì DN tiếp xúc với bộ máy công quyền phải thuận lợi, tránh phiền hà, phiền nhiễu. DN trông chờ những chuyển mình cụ thể như vậy.