Lạc quan về triển vọng tăng trưởng
Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh | |
Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh | |
Chuẩn bị cho bước đột phá |
“Với một quốc gia dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân tăng trưởng nhanh chóng và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn”. Đây là một trong những nhìn nhận từ cuộc khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 1.100 lãnh đạo DN đang hoạt động tại 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Ảnh minh họa |
Khảo sát cho thấy hơn một nửa (53%) các DN tại 21 nền kinh tế APEC có dự định mở rộng đầu tư trong vòng 12 tháng tới, mặc dù họ kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng doanh thu trong năm tới và khá thất vọng về tiến triển của thương mại tự do trong khu vực. Về lâu dài, dự định mở rộng đầu tư sẽ có lợi cho các nền kinh tế APEC khi mà hơn 2/3 (69%) những dòng vốn đầu tư này sẽ chảy vào chính các nền kinh tế trong khu vực. Trung Quốc, Mỹ, Singapore và Indonesia là những quốc gia thu hút nhiều đầu tư hơn cả.
Đáng nói là tại một số nền kinh tế trẻ và tăng trưởng nhanh thì các CEO có lạc quan hơn về tăng trưởng doanh thu ngắn hạn. Nếu như xét trên toàn khu vực APEC chỉ có 28% các CEO rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới. Đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà lãnh đạo DN bày tỏ quan điểm không mấy lạc quan như vậy. Nhưng tại Việt Nam, 50% trong số họ “rất lạc quan” về doanh thu ngắn hạn trong cuộc khảo sát năm nay. Con số này đã tăng 6% so với năm ngoái. Cùng với đó, 48% DN nhìn nhận lạc quan về triển vọng tăng trưởng doanh thu năm 2016 - 2017.
Đã có thêm nhiều CEO nhận định rằng quá trình tự do hóa thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiến triển mạnh mẽ hơn so với 2 năm trước. Các lãnh đạo tại ASEAN có xu hướng nhận định tích cực hơn về tiến triển tự do hóa thương mại. 44% các CEO tại Việt Nam cho rằng quá trình thúc đẩy thương mại tự do tại châu Á - Thái Bình Dương đã được đẩy mạnh đáng kể trong năm qua, trong khi tỷ lệ này chỉ là 14% tại Mỹ và 9% tại Nhật Bản.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng các dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chảy vào những nền kinh tế APEC có môi trường pháp lý phù hợp, nguồn nhân lực dồi dào, cũng như triển vọng tăng trưởng năng động. “Trong tương lai gần, các lãnh đạo DN APEC sẽ phải cân bằng triển vọng kinh tế ngắn hạn với kế hoạch đầu tư dài hạn.
Môi trường pháp lý và thuế là những yếu tố sẽ quyết định niềm tin vào khả năng kinh doanh và đầu tư. Nếu không có những thay đổi phù hợp về môi trường pháp lý thì các nền kinh tế sẽ không thể cạnh tranh thành công trong một thế giới tuy nhiều tiền nhàn rỗi nhưng tăng trưởng chậm”, ông Orlando Marchesi, Tổng giám đốc Công ty PwC Peru cho biết.
Với Việt Nam, dù môi trường pháp lý và chính sách cũng là một trong 3 quyết định đầu tư của các CEO trong tương lai gần nhưng không phải là yếu tố hàng đầu mà ở vị trí thứ hai. Yếu tố có tác động hàng đầu của CEO khi đầu tư vào Việt Nam là nguồn nhân lực có kỹ năng, trong khi đó xếp hạng của các CEO trong khu vực nguồn nhân lực có kỹ năng đứng ở vị trí thứ ba. Điều này cho thấy những khoảng trống lớn mà Việt Nam cần phải lấp đầy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó cần nhiều những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng như giao thông và thông tin. Đây là yếu tố thứ ba các CEO quan tâm khi ra quyết định đầu tư vào Việt Nam nhưng lại không là một trong ba yếu tố hàng đầu tác động đến quyết định đầu tư vào APEC. Hay nói cách khác cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố bổ khuyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Một điều đáng lo ngại đối với lãnh đạo các nền kinh tế APEC, đó là chi phí liên quan tới tuân thủ chính sách vẫn tiếp tục không ổn định. Chỉ có 14% người tham gia khảo sát cho biết, họ tự tin hơn so với năm trước về khả năng dự báo chi phí tuân thủ và số tiền thuế phải nộp của DN.
Với Việt Nam, có tới 73% các CEO cho rằng môi trường pháp lý và chính sách sẽ tác động mạnh mẽ hơn vào các quyết định đầu tư tại khu vực APEC trong 3 đến 5 năm tới. Con số này cao hơn mức chung toàn khu vực APEC là 58%. Các CEO cho biết môi trường pháp lý và chính sách (quy định minh bạch, ít tham nhũng) là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định đầu tư xuyên biên giới trong phạm vi khu vực APEC.