Chuẩn bị cho bước đột phá
Cần nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi | |
Hợp tác để nhân lên sức mạnh | |
Kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất |
Những bước đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi đang được gấp rút tiến hành bằng việc làm rất cụ thể.
3 cơ quan phụ trách chính của quá trình này là Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang khẩn trương rà soát các luật về đầu tư kinh doanh để gom toàn bộ quy định gây cản trở vào một mối và xây dựng một luật duy nhất để sửa tất cả những quy định “lỗi” này.
Thông tin được đưa ra tại “Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh”, do 3 cơ quan phối hợp tổ chức ngày 22/7 cho thấy, qua rà soát sơ bộ tại 37 luật, đã phát hiện khoảng trên 100 điều gây cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, DN.
Loại bỏ “cát cứ thẩm quyền”
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, sau Đổi mới năm 1986, Việt Nam có nhiều luật về kinh doanh, đầu tư rất ngắn, ít điều, dễ hiểu. Nhưng càng ngày luật càng dài hơn, khó hiểu hơn.
Do đó thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư, kinh doanh. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, cùng với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ DN đã thể hiện những nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Việt Nam vươn lên hay tụt hậu phụ thuộc nỗ lực cải cách thể chế đang được khởi động từ hôm nay |
Tuy nhiên, để tiếp nối những nỗ lực cải cách này, theo ông Hà, cần rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật DN, Luật Đầu tư, những quy định không phù hợp với thực tế để sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ. Do đó, việc dùng một luật để sửa nhiều luật như kế hoạch soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về kinh doanh do KH&ĐT chủ trì theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nhấn mạnh, đây là cơ hội để đẩy nhanh cải cách thể chế. Theo đó, việc dùng một luật để sửa nhiều luật giúp nhanh chóng sửa đổi các điểm vướng mắc mà không quá phụ thuộc vào chương trình xây dựng luật, đồng thời giúp so sánh quy định của nhiều lĩnh vực để học hỏi lẫn nhau, tìm ra công thức quản lý chung. Quan trọng nhất là “giúp tránh được tình trạng cát cứ thẩm quyền từ việc các bộ được giao soạn thảo từng bộ luật gây ra như trước đây”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện cho nhóm rà soát, ông Tuấn cho biết công việc tập trung vào các vướng mắc lớn trong các luật có tác động ở phạm vi rộng, kể cả luật mới được ban hành như Luật DN và Luật Đầu tư 2014. Kết quả bước đầu cho thấy ngay cả những luật mới và có tư tưởng tiến bộ như Luật DN và Luật Đầu tư 2014, dưới góc nhìn của cộng đồng DN cũng đã có những điểm lạc hậu. Chẳng hạn trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, các DN đã kiến nghị bãi bỏ gần 30 ngành nghề.
Một số luật khác như Luật Thương mại đã có nhiều quy định lạc hậu, nhiều nội dung đã được quy định tại các luật khác nhau; Luật Bảo vệ môi trường có một số quy định mâu thuẫn với Luật Đầu tư; Bộ luật Lao động có nhiều quy định ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế; Luật Phí và Lệ phí có khoảng 100 loại phí thẩm định đề nghị cần được loại bỏ…
Hết thời “làm luật phải tuần tự”
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, “có thể có hiện tượng các cơ quan quản lý nhà nước viết luật ra rồi cố gò theo hướng có lợi cho việc quản lý của mình. Tuy nhiên đó chỉ là hiện tượng chứ chắc chắn không phải chủ trương của các bộ, ngành trong Chính phủ”.
Thêm vào đó, cái khó của cơ quan soạn thảo luật là làm sao cân đối lợi ích các bên. Trong đó lợi ích DN liên quan mật thiết tới lợi ích quốc gia. Nhưng nếu đặt ra DN cụ thể hoặc nhóm DN cụ thể thì chưa chắc đã đi cùng lợi ích quốc gia, xã hội… Vì vậy xây dựng luật phải làm sao cân đối giữa lợi ích này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI lưu ý, 5 năm tới là giai đoạn quyết định sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vươn lên hay tụt hậu phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế đang được khởi động ngay từ hôm nay. Do đó sáng kiến 1 luật sửa nhiều luật là rất cần thiết. Ông Lộc nhấn mạnh, yêu cầu thay đổi từ chính trong nước và sức ép hội nhập quốc tế đã tăng áp lực cải cách thể chế, vì vậy đòi hỏi phải có bước đột phá chứ không thể làm tuần tự như mấy chục năm trước nữa.
“DN và người dân mong pháp luật ổn định nhưng ổn định chỉ là tương đối. Nếu thay đổi theo hướng thuận lợi, an toàn hơn thì lại tốt hơn vì vậy tôi nghĩ sẽ ủng hộ thay đổi nhanh chóng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn”, ông Lộc khuyến nghị.
Với cách làm mới này, theo ông Lộc sẽ thay đổi được tình trạng mỗi luật phải “xếp hàng” chờ rà soát tới 4-5 năm, sau đó mới tổng kết, và phải đến 5-6 năm sau mới sửa được luật. “Ngay như Luật DN và Luật Đầu tư vừa ban hành nhưng nếu cộng đồng thấy có điểm đã lạc hậu hay sai sót thì cũng cần kiến nghị Quốc hội sửa ngay. Chính phủ và các bộ ngành cũng phải sẵn sàng sửa đổi như vậy”, ông thúc giục.
Người đứng đầu VCCI cũng đề nghị mỗi năm Quốc hội sẽ có 1 luật sửa nhiều luật liên quan tới môi trường kinh doanh, thậm chí luật ban hành ra có thể chỉ để sửa 1-2 điều nếu thấy cần thiết, không nhất thiết phải gộp mấy chục điều vào rồi sửa một lần. Như vậy mới kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh liên tục trên môi trường kinh doanh.