Lạc quan với tăng trưởng GDP
Tăng trưởng GDP quý I/2016 đạt 5,46% | |
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2016: GDP quý I tăng 5,46%, cần sự nỗ lực | |
Standard Chartered: Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,9% trong năm 2016 |
Nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế GDP năm 2015 ở mức 6,68% thì mục tiêu đặt ra năm 2016 là 6,7% cũng không có gì đáng ngại. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm 2015 nhiều ý kiến đánh giá, dự báo đều cho rằng, nền kinh tế tiếp tục đà tăng và có thể con số GDP còn vượt mục tiêu trên.
Tuy nhiên, sau khi những chỉ số kinh tế của quý I/2016 được công bố, trong đó tốc độ tăng GDP quý I/2016 ước đạt 5,46%. Nếu so với tốc độ tăng GDP của quý I/2016 là 6,03%, thì vẫn có lý do để lo lắng.
Ảnh minh họa |
Tốc độ tăng GDP thấp so với cùng kỳ năm trước, bóc tách từng khu vực có thể thấy vẫn có lĩnh vực tăng, lĩnh vực giảm. Chẳng hạn, như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 0,25%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,72% (cùng kỳ năm trước tăng 8,74%). Dịch vụ tăng 6,13% (cùng kỳ năm trước tăng 5,68%).
Tuy nhiên, phân tích về việc tăng trưởng GDP quý I tăng thấp hơn cùng kỳ, ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do rét hại và băng giá tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên làm giảm giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản. Sản lượng lúa cả nước trong năm giảm khoảng 700 nghìn tấn, năng suất lúa ĐBSCL ước đạt 8,72 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha, tương đương 5,6%.
Nguyên nhân nữa khiến GDP tăng chậm trong quý I là tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm gần 1,2%, trong đó chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm, giá dầu xuống thấp. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô quý I/2016 của chúng ta chỉ khoảng 4 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, giá dầu xuất khẩu giảm 41,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Nếu tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục gặp khó khăn như hiện nay, sản lượng dầu thô nếu chỉ khai thác theo kế hoạch 14,02 triệu tấn đề ra, công nghiệp chế biến chế tạo phấn đấu 11% thì tốc độ tăng GDP cả năm ước chỉ đạt 5,45%, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội đề ra là 6,7%” – ông Bùi Quang Vinh lo lắng.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, một số đại biểu Quốc hội cũng lo ngại trước tình hình hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam có thể gây thiệt hại tới sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP.
Nhìn lạc quan hơn, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đúng là kinh tế quý I khó khăn nhưng không nên lo lắng thái quá, còn với tình hình khô hạn chỉ vài trận mưa sẽ khác. Đặc biệt, với trồng lúa thì sự phát triển trở lại sẽ rất nhanh. Theo ông Lịch, vấn đề của nông nghiệp hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, vấn đề tìm ra giống cây trồng thích nghi trong biến đổi khí hậu mới là lâu dài và căn cơ.
“Quý I tốc độ tăng trưởng GDP thấp một chút nhưng nên nhớ rằng trong quý này thực tế là đã có 1 tháng Tết gần như không làm ăn gì, nên chưa có dấu hiệu gì suy giảm cả. Và theo quan điểm của tôi thì GDP năm nay vẫn có thể duy trì như năm 2015 là được” – ông Lịch dự báo.
Mới đây nhất, trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do NH Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định: các động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ là các lĩnh vực: đầu tư trực tiếp nước ngoài; tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng; các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Báo cáo của ADB cũng lạc quan rằng, với những kết quả đạt được tốt hơn kỳ vọng trong năm 2015, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7%.