Chủ trương đúng cần cách làm phù hợp
Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật thuế tài sản | |
Dự thảo Luật Thuế tài sản: Rất bất hợp lý – kiểu gì người dân cũng phải nộp | |
Bỏ phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi |
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản, trong đó đề xuất 2 phương án đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng với thuế suất 0,3-0,4%, đã làm dậy sóng dư luận. Không chỉ người dân, ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng có những quan điểm trái chiều xung quanh các vấn đề như ngưỡng đánh thuế 700 triệu đồng có phù hợp với thực tiễn; việc áp mức thuế này có gây ra tình trạng thuế chồng thuế; cách đánh thuế có đảm bảo sự công bằng trong xã hội…
Đánh thuế tài sản sẽ góp phần chống đầu cơ tài sản |
Xu thế tất yếu và trong lộ trình
Đánh giá tổng quan về dự thảo Luật Thuế tài sản, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị thiếu chu đáo, thiếu những phân tích, lập luận thuyết phục từ nhiều góc độ. Vì vậy, ngay từ những thông tin đầu tiên được công bố, người dân không nắm được một cách rõ ràng rằng dự thảo luật này đã nằm trong lộ trình dài hạn nhiều năm nay của ngành thuế. Với cách công bố thông tin vội vã như vậy, cơ quan soạn thảo luật đã tự “mua dây buộc mình”.
Ông Ánh giải thích, việc xây dựng Luật Thuế tài sản đã nằm trong chiến lược được hoạch định trước trong việc cải cách hệ thống thuế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta mở cửa, giảm các sắc thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, thực tế là năm 1991 lần đầu tiên chúng ta đã có pháp lệnh thuế nhà, đất với thuế suất từ 0,3 - 0,4% như mức vừa đề xuất. Sau đó, qua nhiều lần sửa đổi quy định, chúng ta thay đổi theo hướng bỏ đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất, với các mức thuế suất khác nhau. Từ năm 2010 áp dụng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như hiện nay. Lần này, chính sách mà Bộ Tài chính đề xuất thực chất chỉ là đưa thêm nhà vào đối tượng đánh thuế, đồng thời gom chung lại thành thuế tài sản.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa trình lấy ý kiến đã nằm trong lộ trình xây dựng các sắc thuế mới, nhằm đưa các sắc thuế từ chỗ dàn trải nay tập trung lại, thay đổi theo hướng đơn giản, minh bạch, nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo nền tài chính bền vững.
“Dự thảo cũng đã nói rõ nếu áp dụng thuế tài sản thì sẽ bỏ thuế đất phi nông nghiệp, trong đó có thuế đất nhà ở. Vì vậy không thể nói rằng luật này ra đời gây ra tình trạng thuế chồng thuế”, ông Kiên lưu ý.
TS. Huỳnh Thế Du, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ sắc thuế này vì nó đảm bảo 3 điều kiện của một sắc thuế tốt. Thứ nhất, hiệu quả về mặt kinh tế vì thuế tài sản ít bóp méo việc phân bổ nguồn lực và góp phần chống đầu cơ tài sản. Thứ hai, đảm bảo công bằng vì người giàu hơn nộp thuế nhiều hơn. Thứ ba, tính khả thi cao vì thuế được đánh với tất cả các căn nhà, nếu chỉ tính từ căn nhà thứ hai thì khó khả thi vì người sở hữu có nhiều cách để lách luật. Thêm vào đó, theo ông Du, sắc thuế này là cơ sở để có một hệ thống dữ liệu về tài sản quốc gia, góp phần chống tham nhũng.
Cần cách làm hợp lý
Ủng hộ việc áp dụng một sắc thuế mới để nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn, song các chuyên gia lưu ý rằng cách đánh thuế thế nào mới là điểm mấu chốt. TS. Vũ Đình Ánh phân tích, nếu áp dụng Luật Thuế tài sản, thì thuế suất sẽ tăng lên gấp 10 lần, từ 0,03% lên 0,3 hoặc 0,4%. Do đó, phải bàn xem mức tăng thuế như vậy có hợp lý hay không.
Ông Ánh cho rằng không nên đánh thuế nhà giá trị thấp, vì đây phần lớn là tài sản của người nghèo, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, do đó không nên dồn gánh nặng lên vai họ. Đồng thời đối với cơ quan quản lý, chi phí để vận hành bộ máy đi thu các khoản này có thể còn lớn hơn so với các khoản thu về, như vậy vi phạm nguyên tắc của thuế là tính hiệu quả, tính đơn giản.
Cho rằng Luật Thuế tài sản là cần thiết và phải tính đến, song ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về thời điểm thực hiện, cách thức, phạm vi, đối tượng áp dụng, đặc biệt phải tính toán xem thu nhập của người dân đang ở mức độ nào và thực hiện như thế nào cho hợp lý.
Đối với đề xuất mức sàn 700 triệu đồng để đánh thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, ông Đức nhận xét là rất bất hợp lý. “Tôi không thể lý giải vì sao cơ quan soạn thảo có thể tính toán để đưa ra mức sàn đó. Ngay cả nhà ở xã hội mà người lao động mua theo các gói vay ưu đãi của Nhà nước cũng đã có giá trị vượt quá mức đề xuất đưa ra”, ông giải thích. Theo ông Đức, để hạn chế tình trạng đầu cơ và tránh lãng phí, việc đánh thuế tài sản cần phải được tính toán lại theo hướng nâng giá trị tính thuế lên và giảm thuế suất xuống.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng khuyến nghị, chỉ nên áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp dụng mức thuế suất 1% đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng; áp dụng mức thuế suất 2% đối với đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm, để khuyến khích đưa nhà, đất vào sử dụng, tránh lãng phí, chống lấn chiếm, đầu cơ nhà đất hoặc để răn đe các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà đất. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng luật thuế này cần được xem xét, ban hành sau thời điểm năm 2020 thì sẽ phù hợp hơn.
Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật Thuế tài sản Chiều ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản 3543/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính công khai quy trình nói trên; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình xây dựng dự án luật này. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thuế tài sản và dự kiến các nội dung chính sách để Chính phủ xem xét, quyết định. |