Ôtô có thể lại phải gánh thêm một sắc thuế mới
Bỏ phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi | |
Dự luật Thuế Tài sản: Cần cân nhắc kỹ và thuyết phục hơn | |
Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với nhà trên 700 triệu đồng, ô tô hơn 1,5 tỷ đồng |
Thêm sắc thuế mới, rồi đây sở hữu những chiếc xe sang sẽ ngày càng là giấc mơ xa vời của người Việt |
Hết cửa ôtô giá rẻ?
Mặc dù không gặp phải sự phản ứng mạnh như đề xuất thuế nhà đất, song đề xuất áp thuế tài sản đối nhóm đối tượng là các tàu bay, du thuyền, ô tô (nhóm 3) cũng có không ít ý kiến không đồng thuận.
Theo đó, trong dự thảo Luật thuế Tài sản vừa được công bố mới đây, Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình khi cho rằng, hiện trên thế giới không có nhiều nước đánh thuế tài sản đối với động sản. Bản thân Bộ Tài chính cũng thừa nhận, hiện có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản gồm máy móc thiết bị, phương tiện, trong đó có ôtô, tàu bay, du thuyền là Hàn Quốc, Kazakhstan, Bolivia.
Trong khi đó, hiện nay, một chiếc ôtô khi nhập khẩu vào Việt Nam đã chịu rất nhiều loại thuế, phí, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí kiểm định chất lượng… Để có thể lưu thông trên đường, những chiếc ôtô này còn cần phải hoàn thành những loại thuế, phí như: thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe), phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí môi trường, lệ phí cầu, đường...
Giá thành ôtô ở Việt Nam cao ngất ngưởng, gấp 2-3 lần các nước. Hiện nay, một chiếc xe giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên chỉ thuộc dòng xe hạng trung còn xe hạng sang đều có giá từ trên 2,5 tỷ đồng. Nay thêm "thuế tài sản", ước mơ sở hữu một chiếc xe hạng trung bình ngày càng vượt quá tầm tay của người dân.
Ông Chu Minh Khuê, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Ngôi Sao chia sẻ, nếu đánh thuế tài sản đối với xe trên 1,5 tỷ đồng thì xe ô tô nhập khẩu hạng sang của các hãng thuộc các nước như Đức, Anh, Mỹ… sẽ hết đường vào Việt Nam. Lúc bây giờ người Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài xe lắp ráp trong nước. Đứng về mặt kinh doanh, rõ ràng sắc thuế này đã vi phạm luật cạnh tranh, tạo nên tình trạng bất bình đẳng giữa xe nhập khẩu đắt tiền và xe lắp ráp trong nước, nhất là xe của các hãng xe sang như Mercedes, BMW, Lexus, Land Rover, Volkswagen ... với các hãng xe bình dân như Toyota, Honda, Kia, Huyndai…
Ông Dư Quốc Thịnh, nguyên trưởng Khoa Ô tô, máy kéo, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết, có thể nói chính sách thuế cho thị trường ô tô đã có quá nhiều điều bất hợp lý nay lại thêm sắc thuế tài sản nhằm vào những xe có giá thành cao thì liệu rằng người dân Việt Nam có còn cơ hội để tiếp cận và sở hữu những chiếc ô tô công nghệ và có tính an toàn cao hay không?
Theo ông Thịnh, ở những nước phát triển họ làm ngược lại với Việt Nam, những chiếc ô tô được sản xuất có công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường được giảm thuế và phí lưu hành để khuyến khích người dân sử dụng, như vậy sẽ vừa có lợi cho việc nghiên cứu áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, vừa tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.
Mâu thuẫn trong cách tính thuế
Đó là chưa kể, việc đề xuất một "ngưỡng cứng" trong Luật sẽ khiến Luật sớm trở nên lỗi thời, bởi mức 1,5 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đề xuất thời điểm hiện nay có thể tương đương với một chiếc xe hạng trung, nhưng đến khi luật được ban hành và đi vào cuộc sống, rất có thể chỉ mua được một chiếc xe giá rẻ.
Bên cạnh đó, việc đưa ra phương án và cách tính thuế như đề xuất của Bộ Tài chính cũng có nhiều điểm bất hợp lý.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên (trường hợp đánh thuế đối với các tài sản này), có 2 phương án thuế suất là 0,3% và 0,4%.
Về giá tính thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên được đề nghị cách tính: Giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.
Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế.
Để đảm bảo tính ổn định của giá tính thuế, thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế, Bộ Tài chính đề nghị quy định giá tính thuế được ổn định 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Việc ổn định theo chu kỳ 5 năm được thực hiện như sau: Trường hợp trong chu kỳ có sự thay đổi người nộp thuế hoặc phát sinh các yếu tố dẫn đến thay đổi giá tính thuế thì cũng không phải xác định lại số thuế phải nộp cho thời gian còn lại của chu kỳ; trường hợp phát sinh tài sản mới chịu thuế thì giá tính thuế được ổn định cho thời hạn còn lại của chu kỳ (nội dung này sẽ được quy định tại các văn bản dưới Luật).
Trong khi đó, với nhóm 3 này thì đây là loại tài sản có mức khấu hao lớn qua thời gian sử dụng, ngoài ra, chất lượng và trị giá còn lại cũng sẽ phụ thuộc vào việc vận hành và các yếu tố rủi ro khác như tai nạn, xuống cấp do thời tiết, môi trường, vận hành… Việc xác định giá trị theo chủ kỳ 5 năm rõ ràng là hết sức bất hợp lý đối với loại tài sản thuộc dạng khấu hao nhanh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như máy bay, du thuyền và nhất là ô tô.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, về nguyên tắc, thu thuế về tài sản, bất động sản là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, phải tính toán sẽ thu thuế loại tài sản nào, làm sao cho bảo đảm công bằng, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và vừa sức dân.
Dự án Luật Thuế tài sản, chỉ mới là dự thảo do Bộ Tài chính dự thảo. Mong rằng, Bộ Tài chính, Ban soạn thảo dự luật lắng nghe góp ý của người dân và các chuyên gia để xây dựng một văn bản luật - tác động đến hàng triệu người dân - đảm bảo sự công bằng, hợp lý.