Lạm phát yếu làm giảm niềm tin trong Fed về tăng lãi suất
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết ông không phải là người duy nhất tại Fed có quan điểm rằng Fed nên chờ đợi để tăng lãi suất cho đến khi chắc chắn áp lực giảm giá gần đây thực sự là tạm thời.
“Tôi muốn những người khác tham gia cùng tôi để nói về vấn đề này”, Kashkari nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters. “Tôi nghĩ rằng có nhiều sự đồng cảm với quan điểm của tôi, nhưng có lẽ mọi người không sẵn sàng hành động”.
Kashkari là nhà hoạch định chính sách duy nhất bỏ phiếu chống lại quyết định của Fed hôm thứ Tư để tăng lãi suất cho vay chuẩn thêm 25 điểm phần trăm. Ông cũng đã bỏ phiếu chống lại lần tăng lãi suất lần đầu tiên của Fed trong năm nay. Trong khi nhiều đồng nghiệp của ông tỏ ra lo ngại nguy cơ lạm phát gia tăng nếu Fed không hành động, Kashkari lại lo lắng nhiều hơn về lạm phát quá thấp.
Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan hôm thứ 6 cũng cho biết, quyết định bỏ phiếu tăng lãi suất trong tuần này là một thách thức khó khăn mặc dù cuối cùng ông đã ủng hộ việc tăng lãi suất và nói ông cảm thấy thoải mái với quyết định đó.
“Trong công việc này, đôi khi bạn phải đưa ra các quyết định đánh đổi (trade-off), tôi nghĩ rằng thực sự lạm phát cuối năm đã bị tắt tiếng, đối với tôi, đã giúp tôi cân nhắc những sự đánh đổi đó một cách thận trọng hơn”, Kaplan đã nói với các phóng viên sau cuộc họp của Câu lạc bộ Park Cities Rotary ở Dallas. Nhưng ông cũng nói rằng ông muốn thấy thêm bằng chứng rằng lạm phát sẽ tăng lên tới mục tiêu lạm phát 2% trước khi tăng lãi suất lần nữa.
“Lạm phát cơ bản yếu rõ ràng đã làm lung lay một số quan chức của Fed”, Capital Economics viết trong một bản tin cho các khách hàng vào thứ Sáu tuần trước.
Mặc dù thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua là 4,3% trong tháng 5, nhưng thước đo lạm phát cơ bản ưa thích của Fed vẫn ở dưới mức mục tiêu trong hơn 5 năm và đã chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 4 xuống còn 1,5%.
Điều đó đã dẫn đến câu hỏi về mức độ tin cậy của câu chuyện truyền thống về thị trường lao động thắt chặt cuối cùng sẽ đẩy lạm phát cao hơn.
“Các nước phát triển trên toàn cầu gần đây ngày càng nghi ngờ về việc liệu các động lực truyền thống có còn hiệu quả hay không”, Nhà kinh tế học Christian Keller của Barclays cho biết. Ông trích dẫn các ví dụ của Nhật Bản và Đức, khi mức thất nghiệp của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 90, nhưng áp lực tăng lương cũng vẫn rất yếu.
Trong cuộc họp vừa qua, Fed cũng đã giảm dự báo lạm phát năm nay xuống còn 1,6%, nhưng theo dự báo trung bình của các nhà hoạch định chính sách, vẫn thấy lạm phát tăng lên 2% trong năm tới. Fed cũng duy trì dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm tới.
Tuy nhiên, dự báo lạm phát của các nhà hoạch định chính sách lạc quan hơn dự báo của các nhân viên của Fed, những người cung cấp thông tin kinh tế cho Hội đồng Thống đốc Fed. Dự báo mới nhất của các nhân viên của Fed cho thấy họ kỳ vọng lạm phát vẫn còn dưới 2% vào năm 2019.
Kashkari, người điều hành chương trình cứu trợ ngân hàng của Kho bạc trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, cho biết mức độ quan ngại mà ông cảm thấy bây giờ là “không thể so sánh” với cảm giác ông đã có lúc đó. “Nếu chúng tôi phạm sai lầm, chúng tôi chỉ phạm sai lầm nhỏ ngay bây giờ mà tôi nghĩ chúng tôi có thể khắc phục”, Kashkari nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi không nghe thấy tiếng chuông cảnh báo kiểu như, “tảng bang trôi phía trước””.