Năm 2018, ngành nào nóng chuyện M&A?
Thế Giới Di Động hoàn tất thương vụ mua lại Điện máy Trần Anh | |
Nhà đầu tư cân nhắc bài toán M&A | |
M&A bất động sản hồi sinh dự án |
Theo đánh giá của ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam và Vietnam M&A Forum, làn sóng M&A xuất hiện mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam kể từ nửa cuối năm 2017 và đang tiếp nối sang năm 2018. Nguyên nhân được ông Minh đưa ra là do rất nhiều NĐT ngoại muốn tìm đến Việt Nam để đầu tư trong năm mới. Đặc biệt, NĐT nước ngoài đang lựa chọn rót vốn vào những DN đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn…
Ở một khía cạnh khác, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, dù gặp nhiều trở ngại và thách thức, song việc các DN tư nhân có mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 là một trong những nhân tố chủ lực thúc đẩy NĐT muốn hiện thực hóa giao dịch M&A với các DN này.
Bởi, tính đến thời điểm hiện tại, các DN sản xuất có kết quả kinh doanh tích cực chiếm tỷ lệ khá lớn trên sàn niêm yết. Điều kiện kinh doanh tốt hơn và nhu cầu tăng vốn, kết nối đối tác chiến lược phát triển lên tầm cao hơn khiến nhiều DN sẵn sàng cho các thương vụ M&A. Thay vì ngồi chờ đối tác đến mua, nhiều DN tìm cách tiếp cận tốt nhất với NĐT nội hoặc ngoại để thể hiện mình...
Thực tế thời gian qua cũng đã có rất nhiều giao dịch M&A thành công. Về vốn ngoại có thể kể đến Tập đoàn ACG mua lại cổ phần của Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam; Earth Chemical mua lại cổ phần Công ty Á Mỹ Gia; Daesang mua lại cổ phần Công ty Thực phẩm Đức Việt; Warburg Pincus (Mỹ) hợp tác với VinaCapital, Mapletree (Singapore) mua lại Kumho Asiana Plaza Saigon; Keppel Land (Singapore) liên doanh để phát triển khu đất trung tâm cạnh bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM)…
Về vốn nội, theo ông Hiển, cũng có không ít DN tư nhân trong năm qua đã trỗi dậy, trở thành một lực lượng NĐT mới, mong muốn góp vốn vào những DN đang làm ăn tốt. Thậm chí, nhiều DN đã xây dựng chiến lược để trở thành cá mập “nuốt chửng” những DN cùng ngành. Và như vậy, dù ở vị trí NĐT, hay DN tham gia M&A, thì rõ ràng M&A đang góp phần thay đổi hoạt động kinh doanh của các DN trong nước, theo hướng tốt hơn.
Với năm nay, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng điều kiện để các giao dịch M&A vẫn đang rất tốt. Theo đó, các NĐT nên nhanh tay lựa chọn DN có nền tảng tốt để đầu tư, đón đầu cơ hội phát triển ở những năm tiếp theo. Ngược lại, các DN sản xuất kinh doanh trong nước cũng cần củng cố nội lực để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT. Bởi việc M&A hiện nay không chỉ đơn thuần là góp vốn, mà đi kèm là nhiều nguồn lực về con người, kinh nghiệm, thị trường, đối tác… mà NĐT mang cùng khi hợp tác, đem đến cơ hội rất lớn cho DN.
Đơn cử trong thời gian qua, với thương vụ Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mua lại hơn 70% cổ phần CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, sau khi được bổ sung vốn Cầu Tre đã có thêm vốn để đầu tư xây dựng thêm một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ DN từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Một trường hợp khác là Petrolimex sau khi bán cổ phần cho JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) và một số NĐT khác, tập đoàn này đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Minh, cơ hội không phải dành cho tất cả các DN muốn M&A mà tỷ suất sinh lời vẫn là yếu tố quyết định tính thành công của thương vụ. Đồng thời, các DN cần tiếp tục minh bạch về thông tin và nỗ lực tạo dựng niềm tin với NĐT…
Với năm 2018, đại diện của CTCK Rồng Việt (VDSC) phân tích, sự phát triển của nhiều DN của năm 2017 đã bền vững hơn thời điểm cách đây 10 năm. Trên cơ sở này, bối cảnh mua bán, sáp nhập năm 2018 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tích cực, ít nhất trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, hàng tiêu dùng, công nghiệp và bất động sản luôn được NĐT quan tâm.
Chia sẻ nhận định về xu hướng M&A 2018 và những năm tới, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết cơ hội và dư địa để M&A tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực DN sản xuất là rất lớn. NĐT nước ngoài có thể là những đơn vị đến từ khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… Cũng theo vị này, “khẩu vị” M&A của năm 2018 cũng có thể thiên về bất động sản, thậm chí chiếm tới 80-90% tổng lượng giao dịch...