Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững
Kinh tế đạt nhiều kết quả, song còn không ít khó khăn
Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,35%; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực: Xuất khẩu tăng khá đưa xuất siêu 6 tháng dạt 1,54 tỷ USD; Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng 6,1%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%; Vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1%; vốn ODA ký kết mới tăng 61%. GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%)...
Đóng góp vào những thành quả này có sự đóng góp tích cực của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế. Cụ thể, tín dụng tăng 8,16%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015; mặt bằng lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay giảm nhẹ....
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Tuy nhiên Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn chỉ ra nhiều khó khăn, tồn tại của nền kinh tế. Thứ nhất là nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. "Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai là xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn... Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.
Thứ ba là, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN chưa đạt kế hoạch.
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế.
Thứ năm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). dáng chú ý là lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn. bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,7%); trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,48%).
Thứ sáu, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng.
Thứ bảy, đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai và sự cố môi trường.
Thứ tám, Cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương. Còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp...
Các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đồng bộ
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Trong đó, theo Thủ tướng, nhiệm vụ hàng đầu là lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối. Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường kỷ luật tài chính, kiên quyết chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài. Thực hiện lộ trình phù hợp cơ cấu lại chi NSNN, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ. Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ. Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung; quản lý chặt chẽ kinh phí xây dựng trụ sở và sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt ra hàng loạt nhiệm vụ là: Thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế; Xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính.
Tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao nhất; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; 8. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.