Liên kết để phát triển lành mạnh
Kết nối cung cầu nông sản sạch | |
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Quá khó! |
Chỉ khoảng 20% nông sản có chứng nhận
Thành phố Hà Nội có 425 chợ, trong đó có 15 chợ hạng một, 66 chợ hạng hai, 310 chợ hạng ba và 34 chợ chưa được phân hạng. Ngoài ra, còn có 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành.
Trong đó, các sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, cung cấp qua các bếp ăn tập thể, bán hàng online cung cấp trực tiếp cho khách hàng…
Cần đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản sạch |
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, theo khảo sát hiện nay một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và sau đó đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể.
Lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ.
Chính vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối cho các DN phân phối tiếp cận gần hơn với các hộ sản xuất nông sản an toàn, qua đó tăng cường sự hợp tác, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn khép kín trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết.
Theo các chuyên gia, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản an toàn, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Hội thực phẩm sạch Hà Nội chia sẻ, nhằm cố gắng đẩy lùi thực phẩm không an toàn, năm 2016 hội đã thành lập nhóm cửa hàng thực phẩm sạch với tiêu chí phân biệt qua nhà sản xuất, xem quy trình, đánh giá chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc kinh doanh của những cửa hàng này đang gặp nhiều khó khăn. Do thực phẩm sạch không phun thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất bảo quản… vì vậy giá thành thường cao hơn, thời gian lưu giữ được ngắn hơn, nên khó cạnh tranh được với các sản phẩm trôi nổi.
“Để làm ra sản phẩm nấm sạch, như nấm kim châm chẳng hạn, thì giá bán phải đội lên đến 150.000 đồng/kg và chỉ sử dụng được trong 5 ngày. Do đó, không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu có giá bán khoảng 30.000 đồng/kg và có thời gian sử dụng dài hơn nhiều do sử dụng thuốc bảo quản”, ông Quỳnh chia sẻ.
Cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến
Thực tế là những sản phẩm an toàn không đưa được vào siêu thị và giá cả không tương xứng với công sức bỏ ra.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, công ty dành phần lớn diện tích trong các siêu thị trưng bày sản phẩm thực phẩm, trong đó một nửa là rau củ quả tươi. Những sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận VietGAP đều được đưa vào siêu thị. Bên cạnh đó, công ty cũng có chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân.
Thời gian qua, Fivimart đã có nhiều chương trình khuyến mại, thu hút, giữ chân khách hàng bằng các phiên chợ nông sản Việt trong siêu thị. Toàn bộ sản phẩm trong chợ phiên được giảm giá 10 – 30%, họp thứ 6, thứ 7 hàng tuần, không sử dụng túi nilon để bao gói, toàn bộ sản phẩm được bán rời, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có nhân viên tư vấn tại chỗ hỗ trợ khách hàng. Bà Hậu cũng khuyến cáo, kể từ 1/7/2016, Luật Hợp tác xã mới chính thức có hiệu lực, sẽ nâng chất lượng hàng hóa khi vào các siêu thị.
Và để việc kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn trên địa bàn thành phố được bền chặt, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần phải tăng cường khả năng liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau để tăng cơ hội liên kết hợp tác và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, DN sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của Hà Nội rất lớn. “Sắp tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tổ chức các Tuần lễ nông sản an toàn của các vùng miền để giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, là tập trung vào việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm, gắn mã code lên khoảng 500 sản phẩm an toàn rõ xuất xứ nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp với 21 tỉnh thành phía Bắc làm tốt việc kết nối đưa nông sản an toàn về với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.