LienVietPostBank chính thức chào sàn UPCoM
LienVietPostBank tổ chức roadshow trước khi lên sàn UPCoM | |
LienVietPostBank tài trợ 500 tỷ đồng cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 | |
Hai đối tác Nhật Bản ký kết sử dụng sản phẩm Ví Việt |
Chia sẻ tại buổi lễ chào sàn, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết: “Lên sàn chính là để minh bạch, nhiều người giám sát mình hơn, mình sẽ tốt hơn, chính vì vậy, ngay khi ngồi vào ghế chủ tịch, tôi nghĩ NH phải lên sàn ngay. Dự kiến có thể 6 tháng đầu năm 2018 lên sàn chính thức”.
Lên sàn, theo ông Hưởng, cũng là để thực hiện ý tưởng chiến lược mới cho LienVietPostBank với phương châm là: “Mới - Lớn - Minh bạch - An toàn” nhằm nâng ngân hàng lên một tầm cao mới xoay quanh 4 trụ cột chính: quy mô tổng tài sản, quản trị nguồn nhân lực, hiện đại hóa và quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế.
Ngay trước sự kiện này, LienVietPostBank đã tổ chức buổi tiếp xúc và trao đổi với nhà đầu tư, nhằm thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 2/10/2017. Tại buổi gặp gỡ này, LienVietPostBank đã cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh, triển vọng phát triển của Ngân hàng, đồng thời trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư để cung cấp thông tin chuẩn bị cho việc thực hiện đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu LienVietPostBank” vào ngày 2/10/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Doãn Sơn – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank chia sẻ nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động NH: Đến thời điểm 30/06/2017, LienVietPostBank đang có hơn 2,8 triệu khách hàng, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ 1,28%, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của LienVietPostBank là 16,20%. LienVietPostBank sẽ tận dụng mạng lưới giao dịch lớn và dự kiến trong 3 – 5 năm tới tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, chủ yếu đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. Kế hoạch đến cuối năm 2019, LienVietPostBank sẽ nâng cấp khoảng 700 điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc thành phòng giao dịch ngân hàng.
Về cơ cấu cổ đông, 75% là cổ đông cá nhân, 25% là cổ đông tổ chức, trong đó Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 12,54% cổ phần. Về chiến lược phát triển Ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết: “Với phương châm “Mới – Lớn – Minh bạch – An toàn”, LienVietPostBank đã dành 25% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược nhằm giúp LienVietPostBank đi đầu hiện đại hóa công nghệ 4.0 thu hút được nhiều nhất ngón tay cái, ngón tay trỏ của khách hàng chạm vào logo LienVietPostBank trên điện thoại, máy vi tính; phấn đấu trở thành ngân hàng top đầu thế giới về kỹ thuật số, là người bạn đồng hành tốt nhất với khách hàng – Ngân hàng của mọi người”.
LienVietPostBank được thành lập từ ngày 28/3/2008. Trải qua hơn 9 năm phát triển, Ngân hàng đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Tính đến thời điểm 31/8/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 150.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt gần 138.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 96.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.289 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng và khả quan, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến tiềm năng của LienVietPostBank với mạng lưới lớn nhất trong hệ thống các NHTM cổ phần, phủ sóng 63/63 tỉnh, thành và đến tận vùng sâu, vùng xa, với hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện.
Năm 2017, LienVietPostBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.170 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức 12%.