Loạn khai thác khoáng sản
Minh bạch hóa quản lý hoạt động khoáng sản | |
Bịt lỗ hổng khai thác tài nguyên | |
Đà Nẵng: Khoanh định 433 khu vực cấm hoạt động khoáng sản |
Phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Đăk Lăk tiến hành thu hồi hàng loạt giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực của nhiều DN và thu hồi giấy phép khai thác cát, đá xây dựng của CTCP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên chuyên khai thác cát xây dựng trên dòng sông Krông Ana (huyện Krông Bông); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Thanh Thủy, Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Đạo, Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô khai thác đá xây dựng trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Krông Năng. Cạnh đó, huyện Krông Ana cũng kiến nghị UBND tỉnh Đăk Lăk đóng cửa các cơ sở khai thác cát trên địa bàn gây sạt lở bờ sông và ô nhiễm môi trường.
Khai thác cát vô tội vạ trên sông Krông Păk khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng |
Theo số liệu của UBND tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn hiện có 67 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 46 giấy phép khai thác đá xây dựng, 19 giấy phép khai thác cát, 2 giấy phép khai thác đất sét. Có hơn 50 DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, tạo việc làm cho 1.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/người/năm. Tuy hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho người lao động địa phương. Song thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản của một số DN tác động tiêu cực đến môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.
Đơn cử, đoạn sông Krông Păk chảy qua huyện Ea Kar (Đăk Lăk) được chính quyền tỉnh Đăk Lăk cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết khai thác cát. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác cát, đất canh tác của người dân dần bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Hồ Văn Khang, trú tại thôn 4, xã Ea Ô, huyện Ea Kar bức xúc, có gần một sào đất bên bờ sông để trồng lúa. Canh tác gần chục năm vẫn bình thường, chỉ từ khi DN tới khai thác cát gần bờ, đất của gia đình bắt đầu bị sạt lở. Đến nay, toàn bộ đất canh tác của gia đình tại khu vực này đã trôi hết xuống sông.
Tương tự, một trong những điểm nóng về khai thác cát mới phát sinh là đoạn sông Krông Nô, tiếp giáp giữa xã Ea Rbin, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk và xã Nâm Nđir, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Trên đoạn sông chưa đầy 1 km, thế nhưng với mật độ hút cát hàng chục chuyến tàu mỗi ngày; mỗi tàu khai thác 30 - 70 mét khối/chuyến. Khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Người nông dân bất lực nhìn đội hình khai thác cát hùng hậu, để vườn rẫy bị sạt lở cuốn theo con nước từng ngày.
Thực tế, trên địa bàn Đăk Lăk hiện có 300 điểm khai thác khoáng sản và 28 loại khoáng sản được phép khai thác. Theo đánh giá kết quả khảo sát thực tế của HĐND tỉnh Đăk Lăk, tại một số địa bàn, ý thức chấp hành pháp luật về khai khoáng của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc.
Trong khi, chính quyền cấp huyện, xã có kiểm tra nhưng chưa quyết liệt xử lý, vẫn để vi phạm tồn tại, kéo dài. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản cấp xã còn buông lỏng, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến giá trị nguồn tài nguyên khoáng sản trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chưa có biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Trước thực trạng này, HĐND tỉnh Đăk Lăk đã đề nghị UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại việc cấp phép vật liệu nổ, báo cáo tác động môi trường của các đơn vị, DN, đăng ký và đăng kiểm tàu thuyền khai thác cát, DN thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo vệ môi trường; giải pháp đối với ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn đến đời sống người dân, khắc phục sạt lở bờ sông, gây ngập úng…
Đối với vấn đề còn chưa được triển khai như quy hoạch bãi tập kết cát, thất thu thuế đối với hoạt động khai khoáng, quản lý khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ, HĐND tỉnh Đăk Lăk cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo ngành liên quan xây dựng giải pháp cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án đóng cửa các mỏ khai thác sai quy định; xây dựng quy hoạch điểm khai thác khoáng sản đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.
Để lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Đăk Lăk vừa có văn bản số 2125/UBND-NNMT về việc tăng cường công tác quản lý đối với tài nguyên khoáng sản. UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với huyện Krông Bông và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, khai thác, sử dụng một số loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Krông Bông và việc cấp phép, khai thác, quản lý, sử dụng cát trên các tuyến sông: Krông Ana, Krông Nô, Krông Păk, Krông Bông. Đặc biệt là các khu vực gần cầu, đê có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Đối với huyện Krông Bông, UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, kịp thời xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà Chủ tịch UBND huyện không kịp thời phát hiện, xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk.
Hiện việc khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn còn diễn ra phức tạp, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Đăk Lăk cần có giải pháp căng cơ, mạnh tay hơn nữa để xử lý, giải cứu các con sông trên địa bàn; đồng thời không để người nông dân mất thêm đất vì cát tặc.