Lợi bất cập hại
Đánh thuế tài sản tạo công bằng? | |
Sửa luật thuế: Khắc phục vướng mắc, tháo gỡ khó khăn | |
Đánh thuế tài sản: Khó xác định nhà ở thứ 2 |
Bản chất của tiền gửi tiết kiệm là khoản thu nhập dành dụm của người dân gửi vào ngân hàng chờ có thêm chút thu nhập bổ sung vào thu nhập từ tiền lương, tiền công ít ỏi hàng tháng, đặc biệt đối với người hưu trí, ở giác độ nào đó nó góp phần giảm nghèo. Một ý nghĩa lớn hơn người gửi tiền ngân hàng mong muốn góp phần nhỏ bé tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển đất nước. Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn về vốn, phải vay nợ nước ngoài nhiều, thị trường trái phiếu chưa phát triển. Việc khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm trong nền kinh tế hiện nay vô cùng cần thiết cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Vậy thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm phải nộp thuế thu nhập có nên đặt ra hay không?
Theo quy định hiện hành thuế thu nhập cá nhân, các khoản thu nhập có được đã phải nộp thuế nhiều lần. Ví dụ: thu nhập ngoài lương thì từ nhuận bút viết bài cho các báo người lao động đã phải trừ 10% thuế tại nguồn từ đơn vị chi trả, tiếp đó tổng cộng nhuận bút thu được trong một năm nếu vượt quá 120 triệu đồng (tức vượt 10 triệu đồng/tháng), thì phần vượt tiếp tục phải nộp thuế lũy tiến… Như vậy, nếu khoản tiền lãi thu được từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng người dân lại nộp thuế lần nữa thì quả là “thuế chồng thuế”.
Xét về hoạt động ngân hàng, với vai trò là trung gian tài chính, nguồn cấp vốn chủ yếu cho vay ra xã hội, các NHTM phải duy trì tốt nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Hiện nay huy động tiền gửi từ dân cư chiếm trên 64% tổng nguồn vốn huy động từ nền kinh tế của các TCTD. Đây là nguồn vốn rất ổn định, nếu đánh thuế lãi thu được từ nguồn vốn này, thì điều chắc chắn là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn huy động của các NHTM.
Nói cách khác cơ chế chính sách thuế phải tạo thuận lợi cho các NHTM hoạt động, vì 80-90% vốn cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tăng trưởng kinh tế là từ vốn vay ngân hàng - nguồn vốn được hình thành từ tiền nhàn rỗi trong dân.
Xét về khía cạnh xã hội, những người gửi tiền tiết kiệm tại các NHTM chủ yếu là của các cán bộ hưu trí. Đây là một đặc điểm đáng để chúng ta xem xét khi học tập những mô hình ở nước ngoài. Là nước phát triển sau, thì việc tham khảo những kinh nghiệm là cần thiết, nhưng cần có cái nhìn toàn diện, cần đặt trong bối cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu vội vàng, không phân tích kỹ lưỡng, áp dụng rập khuôn thì sẽ phải trả những cái giá đắt.
Vì vậy, sẽ là lợi bất cập hại nếu quyết thu thuế từ lãi suất tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại các TCTD.