Lúa gạo xuất khẩu khởi sắc
Gạo Việt chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới | |
Tìm lời giải cho xuất khẩu gạo Việt Nam |
Giá gạo Việt vượt qua Thái Lan, Ấn Độ
Số liệu cập nhật trong 5 tháng đầu năm 2018 cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần (đạt 844,1 nghìn tấn với giá trị 499,4 triệu USD), đứng thứ 2 là Indonesia với 18,7% thị phần (đạt 596 nghìn tấn với giá trị 280 triệu USD). Các thị trường có mức XK tăng, điển hình là Indonesia 596 nghìn tấn, Iraq 150 nghìn tấn, Malaysia với 273 nghìn tấn (gấp 2,51 lần) và Hoa Kỳ với 26,2 nghìn tấn (gấp 2,36 lần so với cùng kỳ năm 2017).
Ngành lúa gạo của Việt Nam đang có những chuyển biến khá lạc quan |
Đáng chú ý, mặc dù trong tháng 6/2018, giá gạo XK của các nước lớn đều giảm, tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm XK của Việt Nam vẫn đạt 450 USD/tấn, cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan (giá gạo XK cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn). Đây chính là cơ hội cho gạo Việt.
Lý giải nguyên nhân giá gạo XK các nước lớn đều giảm so với tháng trước, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính như Indonesia, Philippines, châu Phi, Bangladesh đều giảm. Ngoài ra, do nguồn cung trong nước tại các quốc gia này đang tăng nhanh khiến cho giá XK giảm, kéo theo giá lúa nguyên liệu trong nước giảm.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2018 lại ghi nhận sự chuyển biến đáng kể đối với gạo XK của Việt Nam. XK tăng đối với các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, và giảm ở loại gạo phẩm cấp trung bình (gạo trắng 5% tấm). Cụ thể, trong tháng 5/2018, XK gạo thơm (Jasmine) đạt 129,2 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất với 33% tổng giá trị XK, tăng 53,8% so với tháng trước và tăng 103% so với tháng đầu năm. Gạo trắng 15% tấm và 25% tấm đạt 128,2 triệu tấn vẫn tăng 57,7% so với tháng trước do các DN đang tập trung thực hiện các hợp đồng XK sang Philippines và Indonesia.
Đáng chú ý đó là sự lên ngôi của gạo Japonica khi mới đây CTCP Tập đoàn Tân Long (Đồng Tháp) đã trúng 3 gói thầu XK 50 nghìn tấn gạo Japonica cho Hàn Quốc, tương đương 70% số lượng mở thầu lần này. Đặc biệt, gạo Japonica XK sang Hàn Quốc thường có giá khá tốt, trung bình từ 1.000 USD/tấn trở lên. Đây không phải là lần đầu tiên Tân Long XK loại gạo cao cấp có nguồn gốc từ Nhật này sang Hàn Quốc. Trước đó, từ cuối năm 2016, Tân Long đã tham gia và thắng thầu cung cấp loại gạo này cho Chính phủ Hàn Quốc.
Chuyển đổi, nâng chất cho hạt gạo
Theo các chuyên gia nông nghiệp, quá trình chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu giống lúa từ phẩm cấp thấp sang lúa chất lượng cao đã làm thay đổi cục diện XK, giúp hạt gạo Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo đó, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2017 – 2018, Cục Trồng trọt và các ngành, địa phương đã chỉ đạo việc áp dụng cơ cấu giống rất sát với yêu cầu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản đã chiếm phần lớn trong cơ cấu giống (31 – 32%), gạo chất lượng cao chiếm 32%, gạo nếp 9 – 10%, gạo trung bình còn khoảng 17% và các loại gạo khác.
Chuyên gia nông nghiệp GS. Võ Tòng Xuân nhận định, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. “Ngành lúa gạo của Việt Nam đang có những chuyển biến khá lạc quan, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo”, GS.Võ Tòng Xuân nêu ý kiến.
Nhận định về sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng và kim ngạch XK 6 tháng đầu năm 2018, TS. Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho hay, trong cùng một phẩm cấp gạo chất lượng cao, giá gạo Việt đã cao hơn gạo Thái 15-20 USD/tấn. Đây là điều rất đáng mừng, cho thấy quá trình cơ cấu lại ngành lúa gạo đã đi đúng hướng. Có một điểm mới rất đáng ghi nhận là, đã có nhiều mô hình liên kết trồng lúa giữa DN và nông dân mang lại thành công, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2018/2019 dự báo sẽ tăng 1,3% lên mức kỷ lục đạt 633 triệu tấn, trong đó lượng tồn trữ từ niên vụ 2017/2018 tăng 5% so với một năm trước đó. Trong khi, tồn trữ gạo thế giới cuối vụ dự kiến đạt 144,7 triệu tấn, tăng 900.000 tấn so với vụ 2017/2018, là năm thứ 11 liên tiếp tăng vào cao nhất kể từ năm 2000/2001.
Nhiều nước dự báo tăng sản lượng như Bangladesh, Miến Điện, Campuchia, Indonesia, Madagascar, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam và Philippines. Như vậy, XK gạo trong nửa cuối năm có thể sẽ gặp khó khăn do giá được dự báo sẽ giảm tiếp do nguồn cung được bổ sung từ các nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau một thời gian trầm lắng, hiện một số thị trường truyền thống đã có sự hồi phục trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện một số thị trường mới, hướng đến phân khúc sản phẩm chất lượng cao.
Như vậy, với việc thị trường tương đối rộng mở, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang ưu tiên các giống lúa chất lượng cao. Dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường XK vẫn tiếp tục ổn định; khả năng sản lượng XK sẽ đạt trên 6 triệu tấn với kim ngạch XK trên 3 tỷ USD.
Để giữ vững thành quả tăng trưởng của ngành, ông Lê Thanh Tùng - Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo các địa phương tiếp tục tăng diện tích các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, đang được coi là lợi thế XK của Việt Nam. Đồng thời, giữ ổn định tỷ lệ giống lúa nếp ở mức 10%, không nên mở rộng hơn vì thị trường XK hẹp và đã ổn định; có thể tăng diện tích giống lúa Japonica từ 4% hiện nay lên 6 – 7% vì triển vọng thị trường đang tốt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, để giữ vững giá trị gạo Việt trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu theo đó gạo chất lượng cao vẫn chiếm chủ yếu, gạo thường không quá 20% trong cơ cấu XK.