Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm
Tăng cường quản lý VSATTP | |
TP. HCM bắt đầu đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo |
Diễn biến phức tạp
Hồi cuối tháng 6/2016, một đoàn khách từ Hà Nội đi du lịch vào các tỉnh miền Trung, sau khi ăn hải sản tại Hội An (Quảng Nam) thì có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện. Có khoảng 30 người bị đau bụng, ói mửa; trong số đó, 16 người có triệu chứng ngộ độc nặng nên phải đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cứu chữa.
Đà Nẵng sẵn sàng cắt giảm kinh phí đầu tư một số công trình chuyển sang đầu tư cho ATVSTP |
Hay như vụ nhân bánh mỳ nhiễm khuẩn khiến hàng trăm người ngộ độc ở Thừa Thiên - Huế. Theo đó, trong thời gian từ 29/11 đến 2/12/2016, nhiều người dân ở Thừa Thiên - Huế cùng ăn bánh mỳ mua tại tiệm bánh mỳ Anh Thi phải nhập viện điều trị với các triệu chứng nôn ói, nhức đầu. Trên 120 người phải nhập viện với triệu chứng nôn ói, đau đầu sau khi ăn bánh mỳ kẹp.
Cơ quan chức năng của Thừa Thiên – Huế xác nhận có 7 trong 11 mẫu mang đi xét nghiệm bị nhiễm khuẩn Salmonella, Staphylococcus aureus, E.coli có hại cho đường ruột. Vi khuẩn được tìm thấy trong pate, xíu thịt heo, bánh bông lan, nước xốt, chả nướng, chả lụa và mỳ ổ tại tiệm bánh Anh Thi, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế)...
Trước thực trạng đó, nhiều địa phương trong khu vực đã tăng cường công tác kiểm soát ATVSTP trên địa bàn; kiên quyết bằng mọi biện pháp để đẩy lùi thực phẩm bẩn, tạo sự yên tâm cho người dân và du khách đến tham quan.
Nỗ lực khống chế
Đà Nẵng được đánh giá là địa phương đi đầu và quyết liệt kiểm soát để loại trừ thực phẩm bẩn. Năm 2016, chính quyền địa phương này quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh, kiểm tra ATVSTP tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn đường phố để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay Đà Nẵng có 6.153/7.386 cơ sở dịch vụ ăn uống cam kết với chính quyền chịu trách nhiệm về ATVSTP tại địa điểm buôn bán, kinh doanh. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền Đà Nẵng đã kịp thời kiểm soát tình hình, giảm thiểu vấn nạn thực phẩm bẩn.
Có được kết quả đó, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng có nhiều giải pháp để tạo điều kiện nâng cao nhận thức của người buôn bán thức ăn hè phố; cải thiện điều kiện bảo đảm ATVSTP đối với thức ăn đường phố; nâng cao kiến thức hiểu biết đúng, thực hành đúng về ATVSTP của người kinh doanh. Qua đó, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do các món ăn bán ở hè phố gây ra.
Một trong những giải pháp hiển hiện là UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo, các cấp quản lý từ quận/huyện đến phường/xã phải có kế hoạch bảo đảm ATVSTP buôn bán trên đường phố. Các cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách ATVSTP phải được tập huấn chuyên môn để có nghiệp vụ. Đối với các hàng quán, phải thống kê, đưa vào quản lý và có giấy cam kết bảo đảm điều kiện ATVSTP.
Trong đó, phải đảm bảo 100% người kinh doanh thức ăn đường phố được tập huấn về vấn đề ATVSTP, giấy xác nhận kiến thức ATVSTP và giấy xác nhận khám sức khỏe. Đồng thời, 100% hàng quán phải đạt điều kiện bảo đảm ATVSTP theo nội dung Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát ATVSTP trong năm 2017 và thời gian tới, tại cuộc họp giải trình của UBND TP. Đà Nẵng với Thường trực HĐND thành phố về công tác bảo đảm ATVSTP diễn ra hôm 4/1/2017, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng yêu cầu không chỉ quy trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành của thành phố mà còn quy trách nhiệm cả bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã.
Để giải quyết vấn đề đặt ra, ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất hình thành một cơ quan thống nhất đầu mối về quản lý ATVSTP, vốn đang xảy ra tình trạng chồng chéo giữa 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nghiên cứu bố trí 1-2 cán bộ chuyên trách ATVSTP ở mỗi quận, huyện, phường, xã.
Đồng thời, UBND thành phố phải có sự đầu tư kinh phí thỏa đáng; nếu cần thiết, có thể xem xét cắt giảm kinh phí đầu tư một số công trình để chuyển sang đầu tư cho công tác này. Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát việc bố trí ngân sách cho công tác ATVSTP và đây phải là một trong những việc ưu tiên làm ngay trong năm 2017.
Cùng đó, UBND thành phố phải chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định. Lực lượng quản lý thị trường phải thực thi công vụ nghiêm túc, không có hành vi tiêu cực để lọt hàng giả, hàng hóa độc hại, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Công tác bảo đảm ATVSTP phải thực hiện “nhất hô, bá ứng”, không để trên nói quyết liệt, dưới trì trệ hoặc không làm; trước mắt tập trung kiểm soát thực phẩm cung ứng cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017” - ông Nguyễn Xuân Anh quyết liệt.