Mặt bằng bán lẻ: Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu
Triển vọng sáng nhờ bán lẻ khởi sắc
Theo nghiên cứu mới nhất của Savills Việt Nam, tại Hà Nội, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ đến cuối quý II/2019 đã lên tới trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với TP.HCM, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ cũng đã đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13% so với quý II/2018.
Sự phát triển nhanh chóng mặt bằng bán lẻ như trên là để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng. Những khu vực trước đây thiếu mặt bằng bán lẻ thì nay cũng đã có những dự án phục vụ nhu cầu cho người dân về mua sắm và vui chơi giải trí.
Mô hình bán lẻ hiện đại trở thành một điểm đến, chứ không chỉ là trải nghiệm mua sắm |
Bà Hằng cho biết điểm mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam có khá nhiều: quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội và TP.HCM cao, thu nhập gia tăng… dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. Bên cạnh đó là niềm tin của người tiêu dùng cải thiện cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm giải trí của người Việt.
Cũng theo bà Hằng, thị trường hiện đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống, trở thành một điểm đến chứ không chỉ là một trải nghiệm mua sắm.
Bên cạnh đó, một lợi thế cho các nhà đầu tư là chính quyền địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ. Thị trường sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, hiện đang là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực phát triển và thành công.
Tuy vậy, điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam là hiện chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng để sẵn sàng giới thiệu mặt bằng bán lẻ cho các đơn vị phát triển bán lẻ lớn tạo đà thay đổi cục diện đầu tư, thói quen mua sắm tại một số địa phương, khu vực mà việc quy hoạch này hiện đang diễn ra một cách thụ động. Chi phí đất cao tại các khu đô thị lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm hơn các sản phẩm bất động sản khác như nhà ở.
Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh với các thị trường ở quốc gia khác đối với các mặt hàng cao cấp, bởi tỷ trọng người mua mặt hàng này nhỏ và họ sẵn sàng mua sản phẩm cao cấp tại nước ngoài.
Cạch tranh bắt đầu gay gắt
Thị trường bán lẻ thời gian qua ghi nhận sự phát triển mạnh của các mô hình bán lẻ hiện đại, như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại thay vì các mô hình truyền thống như chợ và bách hóa.
Sự chuyển dịch đó, theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, có sự đóng góp của một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước, khi các doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh và ngày càng thành công, như Vingroup, Saigon Co-op.
Bên cạnh đó là những doanh nghiệp ngoại cũng đang có kế hoạch và chiến lược phát triển mạnh, như Aeon, Lotte và sắp tới là các thương hiệu như CJ và Emart của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một số thương hiệu khác đã phải rời bỏ thị trường, như Trần Anh, Shop & Go, Fivimart, Giant và mới nhất Auchan.
Thị trường chứng kiến nhiều thương hiệu lớn mạnh và thành công nhanh chóng |
Chia sẻ về xu hướng này, bà Hằng cho rằng sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới đang chỉ bắt đầu. Việc các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon Co-op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh về nhiều tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ là minh chứng cho điều này.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt.
Một mặt, các chuỗi bán lẻ nước ngoài có lợi thế ở mô hình kinh doanh hiện đại, tân tiến, có nhiều kinh nghiệm và bài học thành công tại nhiều thị trường trên thế giới, tiềm lực tài chính mạnh hơn các doanh nghiệp Việt ở mảng trung tâm thương mại. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp Việt đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích với mạng lưới rộng khắp.
Vì vậy, theo bà Hằng câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ có lẽ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại.
Cũng không loại bỏ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả 2 bên hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng.
Tích hợp công nghệ, bán lẻ tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng. |
Triển vọng sáng cho 6 tháng cuối năm
Nhận định về triển vọng của bán lẻ trong 6 tháng cuối năm, bà Hằng cho rằng đây sẽ là một thị trường phát triển khả quan trên nhiều mặt: số lượng mặt bằng bán lẻ, quy mô của các dự án đi vào thị trường.
Hướng phát triển bán lẻ hiện nay cũng có sự chuyển dịch sang tích hợp mặt bằng bán lẻ vào các chuỗi dự án bất động sản, nhà ở, như một phần không thể thiếu để phục vụ cư dân và các khách thăm quan du lịch.
Các địa bàn có dư địa tăng trưởng tốt là Hà Nội và TP.HCM, do so sánh với các thị trường trong khu vực thì hiện 2 thành phố này đang có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp.