Minh bạch, thống nhất để tuân thủ tốt hơn
Từ việc dừng chuyện dán tem bia | |
Tìm động lực cải cách thuế, hải quan | |
Môi trường kinh doanh Việt Nam: Trước áp lực cải cách thuế |
Cần minh bạch và dễ hiểu hơn
Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và DN về chính sách và thủ tục hành chính (TTHC) thuế, hải quan năm 2017 vừa được tổ chức với sự tham gia của 600 DN đã đưa ra nhiều vấn đề sát sườn liên quan trực tiếp tới cộng đồng DN xung quanh các chính sách, quy định của Bộ Tài chính, đặc biệt thuế và hải quan. Thực tế cho thấy, dù các chính sách, quy định về thuế, hải quan có nhiều bước tiến, thể hiện ở sự đóng góp lớn nhất vào cải thiện thứ bậc về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Doing Business 2018 (tăng 14 bậc so với năm trước, lên vị trí 68/190 nền kinh tế) nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết để hỗ trợ và đồng hành cùng DN nhiều hơn.
Các chính sách thuế và hải quan cần thống nhất, cụ thể, đơn giản, thuận lợi, dễ hiểu |
Đơn cử trong lĩnh vực thuế. Dù những thay đổi trong chính sách, pháp luật thuế thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các DN, nhưng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít DN gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. Phản ánh với VCCI, nhiều DN cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, nhưng có những văn bản ban hành lúc nào DN cũng không biết. Điều đó khiến cho nhiều DN nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung.
Các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính cũng thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành quy định tại các văn bản luật, nghị định làm cho các DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh doanh đã phát sinh, theo đó phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ… làm mất thời gian và gây khó khăn trong thực hiện. Trong đó, vướng mắc đối với một số quy định về thuế GTGT, nợ thuế và phạt chậm nợ thuế, thanh kiểm tra thuế… được nhiều DN phản ánh nhất.
Ở lĩnh vực hải quan, các DN phản ánh các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan thường xuyên thay đổi trong khi việc thông tin chưa kịp thời và kết nối giữa cơ quan hải quan với DN nhiều lúc còn hạn chế nên DN khó cập nhật, dẫn đến nhiều trường hợp DN bị chậm tiến độ ra tờ khai. Trong khi đó, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của DN còn chung chung, không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể. Đáng chú ý là còn có hiện tượng trả lời vòng vo, không hỗ trợ được DN hay trong quá trình giải quyết TTHC, cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định… dẫn đến thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.
Tựu trung lại các DN kiến nghị, các chính sách thuế và hải quan cần thống nhất, cụ thể và theo hướng minh bạch, đơn giản thiết thực, thuận lợi, dễ hiểu để DN dễ thực hiện và tránh tạo lỗ hổng cho công chức thuế, hải quan áp dụng tùy tiện. Song song với đó, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp thông tin về các chính sách thuế, hải quan cho DN một cách nhanh chóng hơn nữa cũng như có các phản hồi kịp thời trước các vướng mắc của DN.
Chính DN cũng cần mạnh mẽ vào cuộc
Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được, cộng đồng DN kỳ vọng Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tới đây tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của DN và thể chế bằng văn bản. Trong quá trình soạn thảo và sửa đổi, cần thông báo rộng rãi kế hoạch, nội dung sửa đổi để các đối tượng điều chỉnh biết, chuẩn bị và có những ý kiến đóng góp cụ thể, tránh tình trạng khi các đối tượng chịu sự điều chỉnh còn chưa nắm được các thay đổi thì văn bản đã có hiệu lực.
Bên cạnh đó, để tránh việc DN cảm thấy khó hiểu, khó thực hiện các TTHC thì từ cấp trung ương đến cấp cục, chi cục thuế, hải quan cần có các giải thích rõ ràng về quy trình, thủ tục xuyên suốt quá trình giải quyết TTHC. Cần có bộ phận hỗ trợ DN khi cần tư vấn đặt tại các cục, chi cục và cán bộ tiếp nhận thông tin và giải đáp thông tin cần có năng lực chuyên môn tốt và khả năng kết nối với các đơn vị chuyên môn trong ngành.
Mặt khác, cần tiếp tục tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp cận và giải quyết các TTHC. Rà soát, tiến tới xóa bỏ các bản sao hồ sơ giải trình kèm theo khi đã yêu cầu DN cung cấp trực tuyến. Bên cạnh đó khi áp dụng công nghệ, việc đảm bảo kết nối, đồng bộ thông tin cần được quan tâm hơn nữa tránh tình trạng DN khai báo trên mạng nhưng không biết thực trạng ở từng công đoạn để xử lý.
Để góp phần nâng cao hình ảnh của cán bộ thuế, hải quan văn minh, hiện đại và đồng hành cùng DN, đồng thời giảm thiểu chi phí không chính thức và tránh tình trạng công chức thuế, hải quan áp dụng tùy tiện các chính sách và quy định thì cần tiếp tục rà soát, tiếp cận các phản hồi của DN và người dân đối với những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, “chung chi” với DN.
Ngoài ra, từ thực tế một số ý kiến của DN liên quan đến các vụ việc cụ thể cho thấy còn thiếu thông tin kết nối giữa cơ quan thuế, hải quan và DN. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan thuế, hải quan cần có thêm các hình thức tuyên truyền, tập huấn để DN tiếp cận dễ dàng hơn với các TTHC thuế, hải quan. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại hội nghị đối thoại vừa qua nhấn mạnh: “Việc tuyên truyền của cơ quan thuế, hải quan cần cập nhật với mọi biện pháp, mọi hình thức để làm sao đến được với người dân và DN. Chúng tôi mong muốn rằng các DN nắm bắt được các chính sách, hiểu chính sách và tuân thủ tự nguyện nộp thuế”.
Một thực tế tất yếu cũng cần đặt ra là từ phía các DN, nhất là các bộ phận liên quan trực tiếp đến xử lý các nghiệp vụ về thuế và hải quan cũng cần nhanh nhạy, chủ động trong nắm bắt các chính sách và quy định mới cũng như nhanh chóng có những phản hồi tới các cơ quan quản lý về những vướng mắc hay quy trình và cách thức vận dụng cụ thể cho phù hợp, loại bỏ tâm lý e ngại, sợ bị gây khó dễ trong hoạt động của DN mình. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giúp tránh tình trạng “chính sách thay đổi mà DN chẳng hay” như thời gian vừa qua.