Môi trường kinh doanh Việt Nam: Trước áp lực cải cách thuế
Ảnh minh họa |
Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, nhiều giải pháp cải cách về chính sách thuế đã được áp dụng, đặc biệt là từ 1/1/2015 đã bãi bỏ quy định DN phải gửi Bảng kê hóa đơn hàng hoá dịch vụ mua bán kèm theo tờ khai thuế GTGT gửi cơ quan thuế, đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế.
Như vậy, các DN tiết kiệm được chi phí về thời gian để lập, nộp và chi phí in ấn các bảng kê. Còn phía cơ quan thuế, đằng sau sự đơn giản hoá về chính sách thuế, mẫu biểu, hồ sơ khai thuế, là sự chuyển đổi rất lớn về kỹ thuật quản lý…
Theo tính toán, với các giải pháp đã ban hành tại các văn bản pháp quy này, sẽ đạt được mục tiêu đặt ra về giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu về cải cách quản lý thuế là “giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế, phấn đấu đến năm 2015 trở thành một trong năm nước đứng đầu và đến năm 2020 là một trong bốn nước đứng đầu xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế khu vực Đông Nam Á”.
Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như thực thi các cam kết, ràng buộc khi tham gia vào các tổ chức, cộng đồng kinh tế quốc tế và khu vực đặt ra yêu cầu đòi hỏi hệ thống thuế phải thay đổi.
Một mặt phải cải cách không chỉ về thể chế, chính sách mà phải cả TTHC nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các DN trong quá trình thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng mặt khác phải đảm bảo yêu cầu quản lý thuế cũng như số thu NSNN.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc cải cách TTHC nhằm cải thiện chỉ số nộp thuế cũng gặp rất nhiều thách thức khi WB thường xuyên có những thay đổi trong phương pháp đánh giá, xác định chỉ số nộp thuế. Hiện nay, các giải pháp đã được triển khai trong năm 2014, 2015 mới chỉ là cải cách các thủ tục của quá trình kê khai, nộp thuế.
Tuy nhiên, từ Báo cáo Môi trường kinh doanh (MTKD) 2016 trở đi thì các tiêu chí đánh giá chỉ số nộp thuế được mở rộng thêm tới cả quá trình sau kê khai gồm các tiêu chí về: hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra thuế và giải quyết khiếu nại thuế.
Nhưng đến thời điểm hiện tại cũng chưa xác định được rõ cách thức đánh giá của WB đối với các tiêu chí này. Do vậy, đây cũng là khó khăn cho cơ quan thuế trong việc nắm bắt được xu hướng thay đổi để có giải pháp kịp thời.
“Báo cáo MTKD là một tài liệu uy tín, cung cấp các thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư làm căn cứ lựa chọn địa điểm đầu tư. Do vậy, hầu hết các quốc gia hiện nay đều đang nỗ lực cải cách để cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì thế, công cuộc cải cách của Việt Nam cũng được đặt trong bối cảnh phải cạnh tranh với các quốc gia khác nhằm mục tiêu thay đổi thứ hạng trong Báo cáo MTKD”, đại diện Tổng cục Thuế cho hay.