Môi giới BĐS hướng đến sự chuyên nghiệp
Bất động sản nhiều khởi sắc từ vốn FDI | |
Dòng tiền chảy mạnh vào CP bất động sản |
Theo đại diện Hội Môi giới BĐS TP. Đà Nẵng, dấu ấn nổi bật của thị trường BĐS tại Đà Nẵng năm 2017, chính là sự tăng trưởng mạnh của các giao dịch. Đặc biệt, trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm, thời điểm các chủ đầu tư tận dụng sự kiện APEC 2017 để “tăng tốc”.
Phân khúc đất nền “điểm sáng” của thị trường BĐS Đà Nẵng |
Trên thực tế tại thị trường BĐS ở địa phương trong thời gian qua, ngoài các dự án phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng được phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ thì các dòng sản phẩm khác, trong đó chủ yếu là đất nền, nhà liền kề và một số dự án chung cư cũng rất sôi động. Hầu hết, các dự án đều hết hàng ngay sau thời điểm mở bán với tỷ lệ hấp thụ lên đến 80 – 85%.
Với phân khúc đất nền, ngoài khu vực phía nam Đà Nẵng vẫn là “điểm nóng”, chính với 500 - 1.000 sản phẩm đất nền được tung ra mỗi tháng với gần 20 dự án, thì tại khu vực Tây Bắc các dự án trước đây trầm lắng, thì thời gian gần đây cũng đã có những sôi động trở lại.
Theo đó, tại khu vực trong năm qua cũng đã cung cấp cho thị trường khoảng gần 3.000 sản phẩm. Điều này, cho thấy sức hút của thị trường đặc biệt ở phân khúc đất nền, thu hút được nhiều khách hàng.
Theo nhiều người, trong những thành công của thị trường BĐS tại Đà Nẵng thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ các công ty môi giới, sàn giao dịch BĐS trên địa bàn.
Cụ thể, Hội Môi giới BĐS TP. Đà Nẵng đã có những đề xuất tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác quản lý thị trường. Tổ chức kiện toàn bộ máy hoạt động của hội.
Đặc biệt, theo ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà đất 86, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Môi giới BĐS TP. Đà Nẵng, hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, kết nối giữa các đơn vị môi giới, các chủ đầu tư nhằm cập nhật thông tin thị trường; Kết nối khách hàng với các đơn vị môi giới, chủ đầu tư để giới thiệu các dự án có uy tín trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức các chuyến tham quan tại nhiều địa phương khác và các hội nghề nghiệp tại nước ngoài nhằm trao đổi thông tin, nâng cao nghiệp vụ... Từ đó, nâng cao vai trò của hội, xứng đáng là tổ chức đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của những người làm nghề môi giới BĐS tại Đà Nẵng...
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay do thị trường BĐS ở Đà Nẵng đang tăng nhiệt nên có rất nhiều văn phòng, sàn môi giới nhà đất liên tiếp ra đời. Các sàn giao dịch này được tổ chức theo kiểu di động, ở đâu có dự án bán đất nền thì ở đó mọc lên những sàn giao dịch tạm bợ. Chỉ tính riêng khu vực phía nam cầu Hòa Xuân và phía nam cầu Nguyễn Tri Phương, cũng đã có gần 100 điểm giao dịch BĐS lớn nhỏ. Việc quản lý các sàn giao dịch này rất khó khăn.
Bởi, hầu hết các sàn này đều hoạt động “chui”; không đăng ký, không kê khai thuế… Trên thực tế, ngoài những thành viên làm ăn chân chính, có uy tín trực thuộc Hội Môi giới BĐS TP. Đà Nẵng thì vẫn có rất nhiều những sàn giao dịch BĐS tự phát làm ăn theo kiểu chụp giật. Mua đi, bán lại để hưởng “hoa hồng”, bất chấp những tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.
Những sàn giao dịch, trung tâm môi giới theo kiểu này đã và đang góp phần cho giới đầu cơ lũng đoạn thị trường, thao túng, làm giá, hoặc tạo nên những “cơn sốt ảo” trên thị trường BĐS ở địa phương...
Trước đó, nhằm “siết” hoạt động môi giới BĐS để bảo vệ các khách hàng, Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép hành nghề môi giới BĐS. Điều này, giúp thanh lọc đội ngũ làm nghề này và giảm bớt những thua thiệt cho người mua nhà. Tuy nhiên, theo nhiều người những chấn chính trong thông tư này còn nặng về tính hình thức, và chưa có những chế tài đủ mạnh để có đủ sức ngăn chặn những vi phạm trong thực tế...