Mỗi năm giảm được 20% chi phí thương mại khi áp dụng bảo lãnh thông quan
Từ 11/2017: Triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng và thông quan 24/7 | |
Tăng tốc cải cách thông quan | |
Thông quan điện tử: Nhiều lợi ích chưa được khai thác |
Dự án Hệ thống bảo lãnh thông quan được Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Toàn cầu (GATF) giới thiệu và tỏ ý hỗ trợ thực hiện dự án bảo lãnh thông quan ở Việt Nam để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới được các quốc gia tài trợ trong WTO lựa chọn và được hỗ trợ để thực hiện dự án, ông Philippe Isler – Giám đốc điều hành GATF cho biết và kỳ vọng việc triển khai dự án ở Việt Nam sẽ rất nhanh.
Dự án hỗ trợ có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài đến từ các quốc gia thành viên của WTO để giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu. Dự án cũng bao gồm việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý; hỗ trợ vận hành và công nghệ thông tin cho hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các hỗ trợ khác trong nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại.
Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép các bộ ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phối hợp với những quy trình thủ tục được xây dựng và áp dụng bởi Tổng cục Hải Quan và Bộ Tài chính Việt Nam.
Theo ông Nesto Scherbey – cố vấn của GATF, phần lớn ý kiến biện minh rằng hạ tầng kém là một trở ngại cho việc thông quan, nhưng thực tế sự chậm trễ trong thông quan của Việt Nam hiện nay thì 75% do thủ tục hành chính, chỉ 25% là do hạ tầng mà thôi. Dẫn ra nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy giảm được một ngày làm thủ tục thông quan là chi phí giảm được khoảng 1% tổng kim ngạch thương mại, tức giảm chi phí được 1,7 tỷ USD, ông ước tính khi áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm được khoảng 20% chi phí thương mại qua biên giới.
Ông Philippe Isler cho biết, trong một hai năm tới có khoảng 15 hay 20 quốc gia cũng sẽ áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan. Đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khẳng định lợi ích tổng thể của hệ thống nhưng cũng lưu ý, hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam khá ổn định, để thực hiện hệ thống này sẽ phải chuẩn bị hạ tầng và điều chỉnh nhiều quy định luật pháp, như vậy sẽ có những xáo trộn nhất định. Vì vậy cần lượng hóa tác động để có quyết định đúng.