Một gợi ý cho nền kinh tế
Rào cản giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế | |
Hỗ trợ nền kinh tế bằng hành động | |
Giữ lãi suất không tăng là thành công của nền kinh tế |
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vừa bày tỏ băn khoăn rằng triển vọng kinh tế chưa có nhiều điểm tích cực. Các chuyên gia gần đây cũng ít phát biểu về giải pháp cho nền kinh tế, vì quả thực tìm ra một hướng đột phá trong lúc này hết sức khó khăn.
Ổn định vĩ mô duy trì trong một thời gian dài đáng lẽ phải là nền tảng quan trọng để tiêu dùng, sản xuất tăng trưởng ổn định, theo lý thuyết cũng như thực tế nhiều giai đoạn từng diễn ra như vậy. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nền kinh tế lại có biểu hiện đi xuống, nếu nhìn vào các chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ số phát triển công nghiệp…
Phải chăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đang bộc lộ ngày càng rõ nét sự “hụt hơi” trong cuộc đua với các đối thủ từ bên ngoài? Hàng ngoại “ngập” siêu thị, đẩy nhiều sản phẩm nội ra khỏi kệ là bằng chứng rất rõ ràng lý giải quan ngại trên.
Ảnh minh họa |
Cũng trong thời gian này, trên khắp các mặt báo rất dễ nhận thấy các quan điểm trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước từ phía các DN, hiệp hội, ngành hàng. Một mặt nó cho thấy khó khăn đang ngày càng “o ép” các ngành sản xuất trong nước. Mặt khác nó cũng để lộ năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhưng để cải thiện những hạn chế đó, dường như các DN còn rất thờ ơ.
Liệu các DN Việt Nam lâu nay có hình thành thói quen trông chờ hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước để đủ khả năng cạnh tranh với nước ngoài? Với câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận là có. Và đó là thực trạng đáng quan ngại, nhất là khi hội nhập đang làm mất dần đi khả năng xây dựng các chính sách “bao bọc” DN của Nhà nước, ngay trong giai đoạn Việt Nam chuẩn bị “mở toang” cửa với thế giới như hiện nay.
Báo cáo Mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, được Tổng cục Thống kê thực hiện dựa trên điều tra chọn mẫu 3.500 DN và công bố mới đây cho thấy năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi chiến lược và sự chuẩn bị cho tiến trình hội nhập lại rất mờ nhạt.
Số liệu tổng hợp đáng lo ngại nhất là, có tới 94,5% DN Việt Nam biết đến ít nhất một trong các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các giải pháp để ứng phó với cuộc cạnh tranh mới từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế lại không tương ứng với hiểu biết này.
Thử tìm một khuyến nghị chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Kiên khá băn khoăn liệu chúng ta có thể chấp nhận “chọn bỏ” nhiều chiến lược đầy tham vọng hay không - một cách làm khác so với lâu nay. Bởi trên thực tế, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 bản, gấp 6 lần giai đoạn 2001 - 2010 (3.114 bản quy hoạch).
Chiến lược phát triển kiểu “quả mít” như vậy khiến cho nguồn lực không tập trung, chủ trương khó đồng nhất. Tất cả các ngành, sản phẩm đều được cho là quan trọng, có tiềm năng, cần xây dựng định hướng phát triển… khiến cho nền kinh tế “dàn hàng ngang” đi lên mà không có tính đột phá, khác biệt để cạnh tranh. Ông Kiên gợi ý, nếu hội nhập là mở ra con đường để khai thác các thị trường rộng lớn bên ngoài đầy tiềm năng, thì cần nhìn vào các ngành xuất khẩu hàng hóa quan trọng của Việt Nam hiện nay.
Những “hô hào” tăng trưởng phải đi vào chiều sâu, hay cải thiện năng suất là quá rộng và còn mơ hồ, ông Kiên nói. Nếu chúng ta đang xuất khẩu mạnh mẽ sản phẩm dệt may, da giày, hàng điện tử của các DN FDI… thì có lẽ chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phải xuất phát từ những điều thật cụ thể, có liên quan đến xuất khẩu như là sản xuất ốc vít cho điện thoại, hay sợi dệt…, hơn là ưu đãi cho đầu tư thép hay “bảo hộ” các DN ô tô…