Mục tiêu 2018 tăng trưởng 6,5% - 6,7%: Các giải pháp lớn đã được hoạch định
Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng | |
Tìm động lực cho tăng trưởng | |
Tập trung vào chất lượng tăng trưởng |
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội là những băn khoăn, thắc mắc của đại biểu về kết quả tăng trưởng 2017 đã được giải tỏa. Riêng về mục tiêu 2018 tăng trưởng đạt từ 6,5% - 6,7%, các tư lệnh ngành cũng đã giải trình trước Quốc hội.
Chất lượng tăng trưởng dần đi vào thực chất
Giải trình về kết quả tăng trưởng 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả tăng trưởng GDP đã báo cáo rất đáng tin cậy. Phương pháp thống kê là có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thống kê, đã áp dụng nhiều năm nay, được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận. Tăng trưởng GDP quý III đạt mức cao, 7,46% là quý có khả năng quyết định hoàn thành nhiệm vụ cả năm. “Theo quy luật, quý IV bao giờ cũng tăng trưởng cao nhất. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được quý IV sẽ đạt kết quả 7,31% để đảm bảo cả năm đạt 6,7%, tôi xin báo cáo để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được dự báo là tích cực trong năm 2018 |
Về mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2018 đạt từ 6,5% - 6,7%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được quốc tế và các chuyên gia dự báo năm 2018 là tích cực và tiếp tục duy trì được sự phục hồi. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, khách du lịch quốc tế, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ dự báo tiếp tục đà tăng cao. Một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất, có thể đóng góp tích cực trong tăng trưởng cao như lọc hóa dầu Nghi Sơn; sản xuất thép Formosa; phân bón dầu khí Cà Mau; cao su Đà Nẵng; các dự án ngành xi măng, alumin... tức là không chỉ Samsung mà còn rất nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực sẽ đi vào sản xuất trong năm tới.
“Tuy ngành khai khoáng sẽ tiếp tục giảm, sản lượng khai thác dầu thô dự kiến giảm khoảng 2 triệu tấn trong năm nay. Theo đó, sẽ ảnh hưởng và giảm 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP. Song những cải thiện mạnh mẽ về các cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí cho kinh doanh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Sẽ có chính sách đột phá phát triển công nghiệp phụ trợ
Cũng trong phiên thảo luận, các tư lệnh ngành phụ trách hai trụ cột lớn của nền kinh tế là công thương và nông nghiệp cũng đã đưa ra nhiều giải pháp lớn cho nền kinh tế 2018 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế thời gian qua công nghiệp hóa của Việt Nam đã có những bước đi và sự phát triển nhất định. Một số ngành công nghiệp đã có những nền tảng để tạo dựng cho Việt Nam có điều kiện để tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: khai khoáng, chế biến, chế tạo, hóa chất, hóa dược, năng lượng hóa dầu... Những tồn tại, yếu kém, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, đang được Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành giải quyết những vướng mắc cùng với việc thực hiện Nghị định 115 về công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Bộ Công Thương cùng với các bộ tiếp tục có những hỗ trợ thông qua xây dựng, hoàn thiện các chính sách đồng bộ cả về tín dụng cũng như các cơ chế ưu đãi về chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ cũng như đào tạo nhân lực cho khu vực này. Quan điểm mới hướng tới là Nhà nước phải có chính sách giúp các DN trong lĩnh vực này tham gia vào các chuỗi giá trị để có thị trường rộng lớn hơn, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm. Ngoài ra, bộ cũng sẽ tiếp tục xây dựng một số khung chính sách để hỗ trợ cho DN cả về tư vấn, công nghệ thông tin cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực, đặc biệt là phối hợp để xây dựng các cơ chế cung cấp tín dụng, ưu đãi để tạo điều kiện cho DNNVV phát triển.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đã và đang triển khai Chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng với cơ chế thị trường. Riêng về biến đổi khí hậu, 2 năm qua cho thấy diễn biến cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn cả kịch bản chúng ta dự đoán, gây tổn thất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp phải coi ứng phó với biến đổi khí hậu là một nguyên tắc cơ bản để tiến hành tái cơ cấu kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, quy mô ngành hàng vùng và quy mô ngành hàng địa phương. Tuy nhiên, sản xuất còn phải theo cơ chế thị trường nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của nước ta không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi 180 nước với 30 tỷ USD năm vừa qua và năm 2017 dự kiến 35 tỷ USD.
Vì vậy, Việt Nam phải xác định những sản phẩm lựa chọn mang tính thế mạnh có giá thành phù hợp, có thể cạnh tranh về chất lượng. “Đây là 2 nguyên tắc mang tính chất cơ bản trong tái cơ cấu nông nghiệp của chúng ta hiện nay. Chúng ta hoàn toàn làm được điều này nếu tập trung quyết liệt”, ông Cường khẳng định và cho biết, trong chương trình tái cơ cấu chung, ngành Nông nghiệp đã xây dựng 3 trục sản phẩm. Thứ nhất là trục sản phẩm quốc gia với 10 sản phẩm hiện nay có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chúng ta đang rà soát lại, tìm những khâu yếu nhất ở những chuỗi sản xuất đó để tác động vào. Thứ hai là trục sản phẩm của cấp tỉnh. Tất cả các tỉnh đều lựa chọn các sản phẩm mang tính chất quy mô, đặc sản, quy mô sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh, ví như xoài Cao Lãnh, rau hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong (Hòa Bình)…
Điển hình là tỉnh Bắc Giang hiện đã có 3 sản phẩm chính, chủ lực của tỉnh là vải thiều với 20.000 ha có giá trị sản lượng 50.000 tỷ đồng, riêng gà đồi Yên Thế có thể chăn nuôi 15 triệu con có giá trị sản lượng 1.400 tỷ đồng, hay quả na của Lục Nam với hơn 3.000 ha, có giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Như vậy, riêng một tỉnh lựa chọn đúng đối tượng ngành hàng, đúng tính chất quy mô của tỉnh, chúng ta cũng có giá trị 6.000 - 7.000 tỷ đồng, gần 500 triệu USD.
Trục thứ ba là trục sản phẩm mỗi làng một sản phẩm, mỗi khu vực của lân cận các xã có đặc thù, đặc sản. Ông Cường cho biết, nước ta có gần 19.000 xã, trải dài 15 vĩ độ, tiểu khí hậu tốt, nông hóa, thổ nhưỡng các vùng tốt, lựa chọn những sản phẩm mang tính địa phương, tổ chức ngành hàng theo quy trình, đưa áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô mang tính chất đặc sản… Cùng với việc lực lượng doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến nông nghiệp, các ngành hàng lớn đều có doanh nghiệp tham gia sẽ giúp tăng sản lượng cũng như giá trị nông sản trong thời gian tới…