Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền
Sửa đổi bổ sung Luật các TCTD là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách | |
Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng: Cơ sở pháp lý cho giai đoạn mới | |
Sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD là cần thiết |
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, cần hoàn thiện quy định về xử lý TCTD yếu kém, tránh ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Trong đó, cần quy định rõ quyền lợi của người gửi tiền khi TCTD bị phá sản.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Hà Tĩnh) thì cho rằng, nếu TCTD phá sản thì phải làm rõ việc chi trả tiền gửi cho dân. Nếu không làm rõ thì ảnh hưởng lớn tới tâm lý người dân, làm người dân mất niềm tin và có thể xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt... Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ về những người có liên quan để tránh sở hữu chéo.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, tiền gửi đang chiếm tới 85% vốn của các TCTD. Nhưng hiện nay, người gửi 100 triệu đồng cũng như 10 tỷ đồng đều chỉ nhận được đền bù 75 triệu đồng khi TCTD đổ vỡ. Do vậy, việc sửa đổi luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền là ưu tiên số một; đồng thời quy định rõ quyền lợi của người gửi tiền không phân biệt pháp nhân hay cá nhân.
Liên quan đến vấn đề sử dụng ngân sách để xử lý các TCTD yếu kém cũng còn nhiếu ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD. Không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, băn khoăn của người dân là sử dụng minh bạch ngân sách Nhà nước để xử lý các TCTD yếu kém. Nhiều nước đã sử dụng ngân sách để xử lý các TCTD yếu kém, nhưng có quá trình kiểm soát nghiêm ngặt.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) thì cho rằng, nên cho phép cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để xử lý việc chi trả cho người gửi tiền đối với các TCTD bị đổ vỡ để tránh mất an toàn xã hội. Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cũng cho rằng, cần có nguồn lực của Nhà nước để đảm bảo không đổ vỡ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Tuy nhiên trước đó, khi thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cho rằng không quy định việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV để đảm bảo cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các TCTD yếu kém.
Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với phương án chuyển giao bắt buộc, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ; cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc; đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là TCTD, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trường hợp không có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản theo quy định.
Sau quá trình đánh giá việc thực hiện chủ trương mua bắt buộc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP ngày 15/4/2017. Theo đó Nhà nước sẽ không áp dụng biện pháp mua bắt buộc. Tiếp nối tinh thần đó, dự thảo Luật không quy định về phương án mua bắt buộc TCTD mà bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đối với NHTM...
Cũng trong phiên họp Quốc hội sáng 26/10, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.