Sửa đổi bổ sung Luật các TCTD là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách
An toàn hệ thống phải đặt lên trên hết | |
Sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD là cần thiết | |
Sửa đổi Luật các TCTD: Ưu tiên bảo vệ quyền lợi người gửi tiền |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu giải trình trước Quốc hội |
Cảm ơn sự đồng thuận của Quốc hội về việc cho phép giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều mà chưa sửa đổi toàn diện Luật Các TCTD, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ cũng đánh giá việc ban hành dự thảo Luật này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD và hoàn thiện các quy định về nâng cao năng lực, quản trị điều hành và phòng chống những sai phạm trong hoạt động ngân hàng, ngăn ngừa hành vi thao túng ngân hàng phục vụ cho lợi ích cổ đông có liên quan. Thời gian qua, cơ quan soạn thảo cũng đã phối hợp với cơ quan thẩm tra để tổ chức lấy ý kiến các đối tượng áp dụng; xử lý các bất cập, vướng mắc đã được tổng hợp qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
"Chúng tôi xin ghi nhận các ý kiến, đề xuất và sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Các TCTD, cũng như xem xét sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước sau khi tổng kết việc thực hiện Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Liên quan đến vấn đề phải quy định rõ trách nhiệm của NHNN, cũng như Luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu mà một số đại biểu nêu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã giao Chính phủ sau 5 năm sẽ tổng kết các quy định trong Nghị quyết 42 để nghiên cứu xây dựng luật tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đầy đủ cho việc tái cơ cấu các TCTD cũng như xử lý nợ xấu.
Vấn đề về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện tại Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét đã không còn quy định này. Tuy nhiên Thống đốc cũng báo cáo thêm với Quốc hội, theo đề xuất của Chính phủ, việc miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được thực hiện với các điều kiện rất chặt chẽ. Cụ thể, việc miễn trách nhiệm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: Thứ nhất, người được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trung thực; Thứ hai theo đúng quy định pháp luật; Thứ ba theo đúng các phương án cơ cấu lại TCTD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù cũng có ý kiến cho rằng, trường hợp đã thực hiện đúng quy định pháp luật thì đương nhiên không bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tiễn thực hiện cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian vừa qua thì việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, đa số cán bộ tham gia cơ cấu lại là nhân viên của các ngân hàng thương mại, họ không phải là công chức Nhà nước. Do vậy, đã có tình trạng vừa qua rất nhiều cán bộ hoặc là tìm cách từ chối, hoặc tìm cách thay đổi xin thôi nhiệm vụ. Đó là bất cập rất lớn trong việc có thể trưng tập các cán bộ có đạo đức, có kinh nghiệm tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém.
Trong khi việc chờ quy trình sửa đổi, bổ sung quy định này tại Bộ luật Hình sự, hay Luật cán bộ, công chức sẽ không bảo đảm tính kịp thời và toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém. "Do vậy, Chính phủ, cơ quan soạn thảo rất mong Quốc hội xem xét, cân nhắc để bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật", Thống đốc lê Minh Hưng cho biết.
Báo cáo thêm mội số nội dung liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trường hợp một TCTD quá yếu, vốn tự có dự trữ đã âm thì về bản chất TCTD đó đã lâm tình trạng phá sản, và khi họ đã không có khả năng để tự phục hồi thì chúng ta phải có biện pháp cần thiết để xử lý. Tất nhiên, trước khi tiến hành các biện pháp cần thiết đều phải có quy trình xác định giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán độc lập.
Tuy nhiên khi TCTD đã lâm vào tình trạng như vậy thì các cổ đông thường không hợp tác để xử lý, nên theo thời gian tình trạng yếu kém của các TCTD này ngày càng trầm trọng và thực trạng này dẫn tới bất ổn lớn cho chính TCTD đó cũng như an toàn của hệ thống. Cho nên cần phải có các quy định cho phép sự can thiệp của Nhà nước để chấm dứt quyền cổ đông – điều này là rất cần thiết và quy định này cũng cho phép Nhà nước được chủ động xử lý rủi ro tiềm ẩn để có thể bảo vệ lợi ích người gửi tiền và đảm bảo lợi ích chung toàn xã hội.
"Chúng tôi tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo thẩm tra rà soát bổ sung các quy định cụ thể đối với điều kiện, trách nhiệm bên nhận chuyển giao để đảm bảo có cơ sở pháp lý rõ ràng cụ thể để thực hiện được trên thực tế", Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết.
Liên quan đến phương án phá sản, Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo thêm: Với vai trò là trung gian tài chính trong hoạt động huy động và cho vay, nên các TCTD yếu kém có thể dẫn tới nguy cơ người gửi tiền rút tiền hàng loạt, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, Chính phủ và cơ quan soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu rất kỹ các quy định tại phương án phá sản để bảo đảm sự thận trọng cần thiết.
Thứ nhất, thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Thứ hai, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc. Thứ ba, khi xây dựng phương án phá sản, quan điểm chỉ đạo chung là phải đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc phá sản với sự an toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Cho nên dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD và trật tự an toàn xã hội khi xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
“Chúng tôi báo cáo và mong muốn Quốc hội xem xét hoặc có quy định cụ thể hơn ở trong Luật, trong đó với trường hợp đặc biệt có thể cho áp dụng mức chi trả cao hơn để đảm bảo quyền lợi gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống... Cơ quan soạn thảo mong muốn nhận được sự đồng thuận của các vị đại biểu Quốc hội đối với những đề xuất của cơ quan soạn thảo về những nội dung có liên quan”, Thống đốc bày tỏ và khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đại biểu và sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn chỉnh đảm bảo tính khả thi của Luật được cao nhất.